Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trách nhiệm người đứng đầu

Đức Anh| 07/06/2018 06:46

(HNM) - Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2018 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.


Bộ Tài chính đánh giá, hiện vẫn còn tình trạng chi sai, chi vượt định mức tại trung ương và địa phương, cho thấy kỷ luật ngân sách chưa được thực hiện nghiêm. Do vậy, tới đây sẽ phải tiếp tục hoàn thiện định mức tiết kiệm chi tiêu; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Chi đúng dự toán và cắt những khoản không cần thiết là giải pháp căn cơ giảm bội chi ngân sách. Ảnh: Mạnh Hùng


Tìm lời giải "thu không đủ bù chi"

Trước diễn biến tích cực của nền kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm đã đạt khá và tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, số thu 4 tháng đầu năm tăng 12,1%, trong đó thu nội địa tăng 14,5%, thu từ dầu thô tăng 27%... Tuy nhiên số chi ngân sách nhà nước cũng tăng khá cao, đạt 26,9% dự toán, tăng 4,6% so cùng kỳ, đáng chú ý, số chi đầu tư phát triển mới đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ.

Nhận xét về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước thời gian qua, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, số chi ngân sách đang có xu hướng tăng trong bối cảnh áp lực tăng chi lớn để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, tăng chi đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, mục tiêu của Bộ Tài chính trong thời gian tới là tiếp tục phải giảm bội chi ngân sách, phấn đấu đến năm 2020 giảm bội chi xuống dưới 4% GDP và cả giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm xuống còn không quá 3,9% GDP.

Làm rõ thêm nguyên nhân tăng chi ngân sách, ông Võ Thành Hưng cho biết, mục tiêu lâu dài của ngành Tài chính là hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách, thậm chí có thặng dư ngân sách để tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa vào những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, nhu cầu chi của quốc gia hiện tương đối lớn, mà nguồn thu lại giảm.

Việt Nam từng huy động vào ngân sách ở mức 28-29% GDP trong giai đoạn 2006-2010, nhưng thời điểm này mức huy động chỉ còn khoảng 24% GDP, giảm 4-5% GDP. Nếu duy trì được mức huy động bằng thời điểm giai đoạn 2006-2010 mới có khả năng cân bằng được ngân sách.

Nỗ lực siết kỷ luật ngân sách

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân khiến thu không đủ bù chi là do việc chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước ở nhiều nơi, kể cả trung ương và các địa phương còn chưa nghiêm. Đơn cử, trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế... còn xảy ra ở nhiều nơi. Một phần trong số này đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và truy thu.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do vừa qua thay đổi cơ chế chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cho phép doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, không cần đến cơ quan thuế. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiêp và góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, song lại tạo ra kẽ hở để các đối tượng nộp thuế lợi dụng, chiếm đoạt tiền thuế.

Theo ông Võ Thành Hưng, để khắc phục tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức, dự toán nhiều công trình đội vốn cao, thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị... thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để siết chặt việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính.

Các biện pháp như: Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chỉ được chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước, trong đó quy rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với những dự án đầu tư bị "đội vốn", tăng vốn nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, việc "đội vốn" có thể do khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan, theo luật định, việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết.

Đối với các nguyên nhân chủ quan, cần có phân tích đánh giá cụ thể từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm. Căn cứ pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành, sẽ xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều chỉnh không đúng, trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh.

Để hạn chế sai phạm, các cấp có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm việc lựa chọn quyết định đầu tư, thực hiện giám sát, kiểm tra nghiêm túc và áp dụng chế tài xử lý vi phạm kịp thời và đủ mạnh... qua đó góp phần siết chặt kỷ luật ngân sách, giảm thất thoát, lãng phí.

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đến nay có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe công. TP Hà Nội áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20-2-2017) tại 8 cơ quan, đơn vị, qua đó tiết kiệm hơn 1,7 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh cũng áp dụng khoán xe công từ tháng 5-2018 tại 5 đơn vị của thành phố, ước tính tiết kiệm ngân sách 1,2 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe công theo tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.