Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp nào cho an toàn tín dụng tiêu dùng?

Hà Linh| 23/06/2018 08:01

(HNM) - Cùng với các sản phẩm cho vay doanh nghiệp hay cá nhân thông thường, những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng mà chủ yếu là vay tín chấp (vay trước trả sau) phát triển khá mạnh.


Cơ hội cho công ty tài chính

Tín dụng tiêu dùng được hiểu đơn giản là vay hiện tại và trả nợ bằng nguồn thu nhập trong tương lai. Tín dụng tiêu dùng chủ yếu là vay tín chấp, tức là dùng chữ tín làm tài sản bảo đảm, không phải dùng những tài sản cụ thể như bất động sản, xe... Đây là hình thức cho vay khá mới ở Việt Nam và được ưa chuộng, vì đáp ứng nhu cầu của người dân trong một nền kinh tế đang phát triển mạnh.

Tín dụng tiêu dùng là hình thức cho vay mới mẻ ở Việt Nam. Ảnh: Bá Hoạt


Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam là thị trường lớn với hơn 90 triệu dân, trong đó có trên 50 triệu dân ở độ tuổi "dân số vàng" (15-64 tuổi). Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhất, nhưng thu nhập chưa đủ để bù đắp chi tiêu, trong khi các ngân hàng không thể đáp ứng hết.

Thực tế, nếu mỗi người dân trong độ tuổi trên vay vài triệu đồng để mua một số đồ gia dụng như ti vi, tủ lạnh, điện thoại, hay nhiều hơn là vài chục triệu đồng để mua xe máy, sửa nhà… nhưng ngân hàng không muốn đáp ứng tất cả nhu cầu đó, vì đây là những khoản vay quá nhỏ. Tận dụng cơ hội này, các công ty tài chính đã triển khai hàng loạt sản phẩm cho vay tiêu dùng. Trong 3 năm qua, nhiều công ty đã phát triển mạnh nhờ đáp ứng được nhiều nhu cầu này của người dân.

Để tăng khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận dân cư trong xã hội, tài chính tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng là một công cụ hữu hiệu, thích hợp. Tín dụng tiêu dùng sẽ là giải pháp tốt để người dân thỏa mãn nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhìn rộng hơn, lợi ích của cho vay tiêu dùng không chỉ đến với người dân, mà còn cả công ty tài chính, cũng như nền kinh tế. Bởi, khi doanh nghiệp bán được hàng và tăng sản xuất, thì Nhà nước thu được thuế. Nền kinh tế được hưởng lợi từ những tác động của tín dụng tiêu dùng với GDP tăng trưởng do người dân tiêu thụ hàng hóa.

Cần minh bạch trong công bố lãi suất

Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng cũng có thể mang lại rủi ro cho các đơn vị cho vay, bởi đây là hình thức vay không có tài sản bảo đảm. Vì vậy, lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng thường cao hơn so với cho vay thông thường. Đối với các công ty tài chính, vì thủ tục đơn giản, thời gian cho vay rút ngắn tối đa, nên lãi suất cho vay cao hơn nhiều so với các tổ chức tín dụng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), lãi suất mua hàng trả góp (một trong những hình thức cho vay tiêu dùng) được các ngân hàng thương mại áp dụng 10-25%/năm, trong khi công ty tài chính có thể lên đến 55-84%/năm...

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong hoạt động tín dụng, lãi suất thường tỷ lệ thuận với rủi ro, tức là khi rủi ro cao, lãi suất cao và ngược lại. Các ngân hàng hay công ty tài chính tính lãi suất trên cơ sở bù đắp cho thiệt hại phát sinh từ rủi ro mất vốn. Chẳng hạn như, khi một ngân hàng cho vay một món vay với chênh lệch lãi suất huy động (đầu vào) và lãi suất cho vay (đầu ra) là 3%, tức là ngân hàng đó dự toán rằng, nếu một món vay có khả năng mất vốn, ngân hàng đó sẽ lấy lại được số tiền đã mất qua việc cho vay khoảng 33 món vay mới (3% x 33 = 99%).

Tương tự, công ty tài chính cho vay một món vay rất rủi ro (có khả năng mất vốn cao) và do đó chỉ cần cho vay khoảng 5 món vay mới để bù lỗ, chênh lệch lãi suất phải ở khoảng 20% (20% x 5 = 100%). Theo cách tính này, nếu ngân hàng huy động vốn với lãi suất 9% thì có thể cho vay với lãi suất 12% (9% + 3% = 12%), còn công ty tài chính nếu huy động vốn với lãi suất 9% thì sẽ cho vay với lãi suất 29% (9% + 20% = 29%).

Các cơ quan quản lý cũng nhận thức rõ điều này nên cho phép các công ty tài chính được áp dụng lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cao tới mức nào là hợp lý và không thuộc loại “cắt cổ”, hay thuộc loại cho vay nặng lãi tức là vi phạm pháp luật hiện vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Hiện nay, việc xác định khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân còn thiếu và yếu. Nếu đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, trong khi cơ sở để xác định được khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân chưa đầy đủ sẽ khiến rủi ro lớn hơn. Giải pháp cho an toàn tín dụng tiêu dùng được cho là cần có hệ thống tính điểm quốc gia để có thang chấm điểm cho từng cá nhân, từ đó xác định khả năng trả nợ cho khách hàng. Đặc biệt, cần có quy định bắt buộc các ngân hàng, công ty tài chính công bố lãi suất một cách minh bạch cho tất cả các loại tín dụng cá nhân.

Và để "căn cơ" hơn, nhiều chuyên gia hiến kế, Quốc hội nên xem xét ban hành một bộ luật về phá sản cá nhân để cá nhân có lịch sử phá sản sẽ khó có thể vay. Việc này sẽ giúp môi trường tài chính cá nhân minh bạch hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho an toàn tín dụng tiêu dùng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.