Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại hội đảng Cộng hoà Mỹ: Đại diện cho những ai và cho cái gì?

TUANANH| 31/08/2004 11:15

Đại hội đảng Cộng hoà của đương kim Tổng thống Bush đã khai mạc tại New York vào ngày hôm qua (30/8). Vào thứ năm tới, ông George Bush sẽ chính thức chấp nhận đề cử của đảng ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ lần hai, mở màn chiến dịch tranh cử và trở thành một kiểu đại hội đảng bốn năm một lần. Các nhà phân tích cho rằng Đại hội là dịp khẳng định Đảng đại diện cho những ai và cho cái gì.

500 ngàn người đã đổ ra đường phản đối chính sách của ông Bush.

Đại hội đảng Cộng hoà của đương kim Tổng thống Bush đã khai mạc tại New York vào ngày hôm qua (30/8). Vào thứ năm tới, ông George Bush sẽ chính thức chấp nhận đề cử của đảng ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ lần hai, mở màn chiến dịch tranh cử và trở thành một kiểu đại hội đảng bốn năm một lần. Các nhà phân tích cho rằng Đại hội là dịp khẳng định Đảng đại diện cho những ai và cho cái gì.

Chủ đề an ninh

Trong một cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình Mỹ ngày hôm qua, ông Bush đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố, một trong những chủ đề chính của đại hội họp trong tuần này. Những hình ảnh tưởng niệm nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 và Lầu Năm Góc bị tấn công là một phần của lễ khai mạc đại hội đảng tại New York.

Và lập đi lập lại trong tuần, Đảng Cộng hòa sẽ nói về sự kiên định của tổng thống Bush trước nguy cơ đe dọa của khủng bố. Bản thân ông Bush, trước thời điểm của đại hội đảng, đã trả lời phỏng vấn của đài truyền hình, trong đó ông nhấn mạnh đến sự quan trọng của Mỹ tiếp tục tạo sức ép đối với mạng lưới al Qaeda. Ông Bush nói Mỹ không bao giờ lui bước, không bao giờ bộc lộ sự yếu đuối, phải tiếp tục lãnh đạo, để truy tìm al Qaeda, các tay chân của mạng lưới này, những người đang lẩn trốn trên thế giới. Theo ông, những người này đang tìm cách làm hại người Mỹ, và nước Mỹ sẽ cho họ biết như thế nào là công lý.

Tranh giành phiếu bầu

Một chủ đề khác của đại hội Đảng Cộng hòa sẽ là tập hợp toàn khối nhân dân. Trong lúc các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ cho thấy tổng thống Bush và ứng viên John Kerry của đảng Dân chủ đang nhận được mức độ ủng hộ ngang nhau, sẽ có một quyết tâm của cả hai phía nhằm thu thập lá phiếu của khối người chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.

Trong mục đích này, cựu đô trưởng, thành viên Đảng Dân chủ của New York, Ed Koch đã được trao một vai trò lớn. Ông Koch loan báo ông sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Bush. Ngoài ra, thêm một đảng viên kỳ cựu khác của Đảng Dân chủ, một thượng nghị sĩ từ tiểu bang Georgia, sẽ đọc bài diễn văn quan trọng hôm thứ tư này.

Trong khi đó, công việc chính của ngày thứ hai của đại hội là bài diễn văn của thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, John McCain. Ông McCain không phải là người bạn thân thiết của Tổng thống Bush. Tuy nhiên, ông có thể vào cuộc để giúp thuyết phục những cử tri còn đang phân vân rằng bầu lại cho ông Bush là cách chọn lựa khôn ngoan cho đất nước trong thời buổi chiến tranh.

Đảng đại diện cho những ai và cho cái gì?

"Chúng ta là đa số tại đất nước này. Đa số đất nước này phản đối cuộc chiến. Đa số tại đất nước này muốn chính quyền Bush ra đi, đa số đã chưa hề bầu cho chính quyền Bush" - Michael Moore, đạo diễn của phim tài liệu “Fahrenheit 9-11” phát biểu trước đám đông và nói đây là “đa số” trong dân chúng Mỹ.

Tháng 7 vừa qua, đảng Dân chủ đã chính thức đề cử thượng nghị sĩ John Kerry và John Edwards là cặp bài trùng ra tranh cơ hội tiến vào Nhà Trắng. Tuần này ở New York, người Cộng hòa cũng sẽ làm điều tương tự với George W Bush và Dick Cheney.

Đại hội đảng còn là dịp khẳng định đảng đại diện cho những ai và cho cái gì; và đảng sẽ làm gì để trợ giúp ứng viên của họ. Việc viết và chuẩn y cương lĩnh của đảng diễn ra trước việc chính thức đề cử ứng viên tổng thống. Cương lĩnh đầu tiên của đảng Cộng hòa, ra đời năm 1856, kêu gọi việc cấm mở rộng việc nuôi nô lệ tại các lãnh thổ miền Tây.

Nếu trước đây, viết cương lĩnh là phạm trù dành riêng cho các lãnh đạo cao cấp, thì nay một ủy ban nhiều chuyên gia đảm trách. Họ thu thập thông tin về một loạt các vấn đề từ các tổ chức tư nhân, Quốc hội, người dân và các trường đại học. Chính phủ liên bang dành mỗi đảng - Dân chủ và Cộng hòa - khoản tiền gần 15 triệu đôla cho chi phí làm đại hội. Nhưng theo một ước tính, cả hai đảng sẽ bỏ ra tổng cộng 220 triệu đôla để tổ chức đại hội của họ.

Theo lịch trình, hôm nay (31/8) cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và người đương nhiệm Michael Bloomberg sẽ phát biểu đầu tiên tại đại hội đảng Cộng hòa. Ngày mai, đệ nhất phu nhân Laura Bush lên diễn đàn cùng thống đốc California Arnold Schwarzenegger.

Danh sách các diễn giả là dấu hiệu tìm hiểu hình ảnh mà đảng Cộng hòa muốn gửi ra tại đại hội. Hình ảnh này chủ yếu nhằm thu hút khán giả truyền hình, chứ không phải bản thân các đại biểu ngôi ở hội nghị.

Rudy Giuliani là một lựa chọn không gây ngạc nhiên. Ông là một anh hùng biểu tượng cho ý chí chống khủng bố, là người ủng hộ quyền phá thai, kiểm soát súng, và sau khi ly dị, chuyển vào sống một thời gian với một cặp đồng tính luyến ái. Nhưng vai trò nổi bật của ông năm nay thú vị ở chỗ hồi năm 2000, ông ủng hộ John McCain và chống lại ông Bush. Thị trưởng California, Arnold Schwarzenegger và đương kim thị trưởng New York Michael Bloomberg cũng ủng hộ quyền phá thai. Những quan điểm như vậy khiến những vị lên diễn đàn phát biểu trông hơi khập khiễng khi so với các đại biểu Cộng hòa ngồi phía dưới.

Vì sao New York?

Cảnh sát được tăng cường trong những ngày diễn ra đại hội

Dù không trông mong nhiều, ông Bush hi vọng sẽ chinh phục thêm cử tri sau đại hội. Việc ông Bush quay lại điểm Ground Zero sẽ nhắc nhở mọi người về sự kiện đã biến chuyển chính quyền. Đầu năm 2003, khi quyết định tổ chức ở New York được loan báo, ông Bush đang lên trong các thăm dò và người dân ủng hộ việc đánh Iraq.

Lựa chọn này giờ đây có vẻ có vấn đề hơn khi Mỹ đang chia rẽ về Iraq và New York trở thành trung tâm chống đối chính quyền Bush. New York đã cấp phép cho hơn 15 cuộc tuần hành và 500.000 người biểu tình đã gây xáo trộn trong ngày khai mạc đại hội.

Khoảng cách văn hóa và chính trị giữa thành viên đảng Cộng hòa với New York là rất lớn. Phong trào bảo thủ của đảng Cộng hòa có cứ địa tại miền Tây và miền Nam, trong khi vùng đông bắc thành thị là điểm trú chân của đảng Dân chủ. Trong 14 nghị sĩ của New York, chỉ có một là người Cộng hòa. Những người Cộng hòa như Bloomberg hay Giuliani thành thị trưởng New York là nhờ sự hấp dẫn của họ với tư cách các ứng viên độc lập không liên quan bộ máy Dân chủ tại địa phương. Họ thành thị trưởng không phải nhờ nhãn bảo thủ của đảng của họ.

Kể từ Thế chiến thứ hai, không ai trong số sáu tổng thống đảng Cộng hòa giành được phiếu tại New York. Và ông Bush có lẽ cũng không trông chờ cơ may lớn hơn. Dù vậy, chọn New York làm nơi diễn ra đại hội không hẳn là lựa chọn kém. Đây là sân khấu tốt nhất để ông Bush thể hiện mình là tổng thống thời chiến và an ninh quốc gia là vấn đề tranh cử hàng đầu.

Ngoài ra, thành công của một đại hội còn được đánh giá qua việc ứng viên giành thêm bao nhiêu ủng hộ từ những người chống đối mình trong cuộc thăm dò sau khi đại hội kết thúc.

John Kerry giành được thêm rất ít từ đại hội ở Boston, nhưng đảng Dân chủ nói thật ra cũng chẳng có gì để giành thêm. Ông đã nổi tiếng ở thị trấn quê nhà, và đa số cử tri đã quyết định sẽ bầu cho ai từ trước đó.

Với ông Bush, mong chờ từ New York vốn đã chẳng bao nhiêu. Vì vậy, ngộ nghĩnh thay, bộ máy tuyên truyền của ông sẽ có thể nói kết quả giành thêm ít phiếu sau đại hội là một thành công.

T.A (tổng hợp từ BBC)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội đảng Cộng hoà Mỹ: Đại diện cho những ai và cho cái gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.