Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chao đảo chứng khoán toàn cầu

Vân Khanh| 15/08/2010 04:56

(HNM) - Phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp khép lại tuần giao dịch tồi tệ nhất của Phố Wall (Mỹ) trong hai tháng qua, chứng khoán châu Á cũng đang chao đảo sau 5 tuần liền tăng điểm và thị trường cổ phiếu châu Âu không bứt phá... đã đưa chứng khoán toàn cầu vào vòng vây của sắc đỏ trong tuần thứ hai của tháng 8.

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ.


Từ nhận định đà phục hồi của kinh tế số 1 thế giới sẽ khiêm tốn hơn so với dự đoán từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), chuỗi trượt giảm của chứng khoán Mỹ đã không thể hãm khi phiên giao dịch cuối tuần ngày 13-8 kết thúc. Tâm trạng bi quan của giới đầu tư châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu nhiều ngày qua tại Phố Wall đã lấy đi của Dow Jones 3,3%, xuống 10.303,15 điểm. S&P 500 cũng thoái lui 3,8% về 1.079,27 điểm và Nasdaq âm 5%, đóng cửa tại 2.173,48 điểm.

Kết quả điều tra của Đại học Michigan và Reuters cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng lên 69,6 điểm, cao hơn mức dự báo 69,3 điểm chưa kịp phát huy tác dụng thì ở chiều ngược lại, số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ xác nhận doanh số bán lẻ tháng 7 vừa qua tăng thấp hơn mức kỳ vọng 0,5% của giới phân tích đã đẩy nhà đầu tư trở lại tâm lý không chắc chắn về phương hướng của nền kinh tế số 1 thế giới. Sự "bất đồng" của các thông số cùng với thị trường việc làm chưa mấy lạc quan là nguyên nhân khiến giới đầu tư chẳng có lý do để "đặt cửa" thị trường cổ phiếu. Tính thanh khoản sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm khi chỉ có 6,17 tỷ cổ phiếu được sang tên so với mức trung bình 9,35 tỷ cổ phiếu trong 7 tháng đầu năm đã làm tuần qua trở thành dấu ấn đáng nhớ trong nhật ký chứng khoán Phố Wall năm 2010.

May mắn hơn trung tâm tài chính Mỹ, chứng khoán châu Á gắng gượng đảo chiều thành công trong phiên cuối tuần. Vượt khỏi "cái bóng" của đà điều chỉnh giảm sâu đang nhấn chìm chứng khoán Mỹ, niềm lạc quan với kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp trong khu vực đã tạo đòn bẩy cho đà đi lên của những chỉ số quan trọng. Nikkei 225 của Nhật Bản, Kospi của Hàn Quốc, Hang Seng của Hong Kong, Shanghai Composite của Trung Quốc, All Ordinaries của Australia… đồng loạt ghi những điểm cộng hiếm hoi sau nhiều ngày lao dốc. Tuy nhiên, sự chật vật đi lên từ mức đáy của 3 tuần trong một phiên giao dịch đã không thể là phép thần để cổ phiếu châu lục lấy lại những gì đã mất. Cho dù khởi sắc 0,8%, lên 118,24 điểm, tính chung cả tuần, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương vẫn bị thổi bay 3,5%.

FED tuyên bố tái khởi động chương trình mua trái phiếu để bơm thêm tiền vào nền kinh tế và những thông tin vĩ mô kém tươi sáng từ nhiều trụ cột kinh tế châu Á đã gây hiệu ứng mạnh khi hầu như không còn cổ phiếu nào duy trì được sức hấp dẫn trước các nhà đầu tư. Lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu lộ rõ hơn với tuyên bố từ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và Nhật năm 2010 và năm 2011 mang lại thêm sự trầm lắng trên các sàn giao dịch. Thông tin bất lợi càng dồn dập khi cặp tỷ giá USD/JPY đã chạm mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, phát đi tín hiệu nền kinh tế Nhật Bản nhiều khả năng gặp khó. Nhóm cổ phiếu xuất khẩu vì thế nối dài xu hướng giảm điểm khiến mọi nỗ lực ngược dòng bị vô hiệu hóa.

Những khó khăn của chứng khoán Mỹ và châu Á cũng đã không thể không ảnh hưởng đến thị trường châu Âu. Mặc cho báo cáo của Đức ghi nhận nền kinh tế lớn nhất lục địa già đạt mức tăng trưởng quý II cao kỷ lục 2,2 %, mạnh nhất trong 23 năm qua, giá cổ phiếu châu Âu vẫn chia rẽ giữa xu thế tăng và giảm điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh chốt tuần thêm 0,18%, lên 5.275,44 điểm trong khi DAX của Đức mất 0,4% giá trị, xuống 6.110,41 điểm và CAC 40 của Pháp âm 0,28% với 3.610,91 điểm cho thấy rõ tin vui từ Đức đã không thể là cứu tinh cho nhiều số liệu hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.

Sự giằng co giữa lạc quan và thất vọng của các nhà đầu tư là khá rõ trong các giao dịch cổ phiếu tuần qua. Khoảng 1.700 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu chỉ trong vài phiên giao dịch cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn đang trong một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. Mọi động thái, dù là nhỏ nhất từ các nước sẽ lập tức tác động đến tâm lý thị trường trong bối cảnh những vết thương từ cơn bạo bệnh tài chính khủng khiếp nhất hành tinh hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chao đảo chứng khoán toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.