Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gai hồng trên đường chính trị của Thủ tướng Italia

Quỳnh Chi| 11/02/2011 07:17

(HNM) - Bão táp đang tiếp tục quần thảo trên con đường chính trị của Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, khi ngày 9-2, các công tố viên tại Milan đã chính thức đề nghị đưa ông ra tòa xét xử "ngay lập tức" vì "cuộc phiêu lưu tình ái" với một gái bán dâm tuổi vị thành niên tên là Karima El Mahroug người Morocco.

Công tố viên cũng cáo buộc Thủ tướng S.Berlusconi đã gây sức ép với cảnh sát Milan để phóng thích El Mahroug khi cô này bị bắt vì một vi phạm hồi tháng 5-2010.

Thủ tướng S.Berlusconi đang đối mặt với những “nghi án” tình cảm.

Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Italia gặp rắc rối với những nghi án "tình cảm". Những bê bối liên quan tới đời sống cá nhân của vị thủ tướng giàu có dường như đã quen thuộc với dư luận, nhất là từ khi người vợ thứ hai của ông - cựu nữ diễn viên Veronica Lario - tuyên bố chia tay sau 19 năm chung sống và có với nhau 3 mặt con vào giữa năm 2009 vì không chịu nổi tính "lãng mạn" quá đà của chồng. Ngay sau khi bà Lario "nổ phát súng đầu tiên", một loạt scandal chấn động khác đã tới tấp ập đến với Thủ tướng Berlusconi. Lần lượt những cô gái chân dài, quyến rũ như Noemi Letizia, Patrizia D'Addario và Barbara Monreale từng giúp vị Thủ tướng 74 tuổi "giải khuây" đã lên báo kể mọi chuyện. Thậm chí, mới đây còn có tin, các thành viên của băng nhóm mafia Camorra ở Naples đang cố gắng bán những bức ảnh chụp Thủ tướng S.Berlusconi trong tình trạng "thiếu vải" với những người đẹp đang là tâm điểm của các scandal tình ái. Hiện tại, các tạp chí, hãng ảnh đua nhau săn lùng và sẵn sàng ra mức giá khởi điểm 840.000 bảng cho bộ "ảnh nóng" của vị thủ tướng 74 tuổi.

Ngoài những cáo buộc liên quan tới các "bóng hồng", còn rất nhiều những phiên tòa khác đang chờ Thủ tướng Berlusconi. Cách đây không lâu, Tòa án thành phố Milan cũng đã tuyên bố kết thúc các cuộc điều tra sơ thẩm, kéo dài từ năm 2005 và quyết định khởi tố vụ án tham nhũng liên quan tới vấn đề mua bán bản quyền truyền hình.

Theo nội dung bản nghị cáo, Tập đoàn Truyền thông Mediaset của ông Berlusconi đã mua bản quyền các phim của Mỹ với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường và cũng không phải mua thẳng từ các nhà sản xuất điện ảnh Mỹ mà thông qua Mediatrade, hãng môi giới ở Hongkong. Tòa án Milan nghi ngờ rằng những khoản tiền lời kếch sù mà cơ sở môi giới được hưởng qua việc đội giá khi bán bản quyền phim ảnh cho Mediaset. Tập đoàn Mediaset trốn được thuế vì những khoản tiền lời của môi giới chính thức vẫn nằm ở hải ngoại và không phải thuộc quyền sở hữu của Mediaset. Mediaset vốn hiện diện trên thị trường chứng khoán Italia, cũng đã "ăn gian" các cổ đông có trong tay cổ phần của Mediaset, bởi vì số tiền lời khổng lồ qua môi giới mua bán phim ảnh không được đem vào sổ sách chính thức của Mediaset. Theo báo chí Italia thì con số tiền gian lận này lên đến 34 triệu USD.

Về phần mình, Thủ tướng Berlusconi khẳng định ông không hề làm bất cứ việc gì sai trái, đồng thời cho rằng, những quan tòa thuộc phái cánh tả đang hành động vì động cơ chính trị nhằm tìm cách hạ bệ ông. Sự thực về những cáo buộc nhằm vào Thủ tướng Berlusconi như thế nào thì không ai có thể biết rõ, nhưng có một điều rõ ràng là giữa Thủ tướng và các thẩm phán ở Milan tồn tại một mối quan hệ không hề tốt đẹp.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra trước nhằm vào Thủ tướng Berlusconi dường như đều thất bại. Và rất có thể trong mùa tranh cử lần này, quyết định khởi tố của Tòa án Milan lại là cái cớ để Thủ tướng Berlusconi sử dụng "khổ nhục kế nạn nhân chính trị" để kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông vì công lý. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, các đảng phái đối lập cần thật nhiều chứng cứ xác thực mới có thể giành thắng lợi trước nhà chính trị lão luyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gai hồng trên đường chính trị của Thủ tướng Italia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.