Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc thoái lui hoàn hảo

Trung Hiếu| 07/12/2011 06:33

(HNM) - Hơn 10 năm sau cuộc chiến, một lần nữa, tương lai của Afghanistan lại được đặt lên bàn nghị sự. Hướng đi cho quốc gia Nam Á này được 1.000 đại biểu của 85 nước trên thế giới, thảo luận tại Hội nghị quốc tế bàn về tương lai của Afghanistan, diễn ra ngày 5-12, tại thành phố Bonn (Đức).

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Bonn (Đức).

Tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Đức Guido Westervelle nhấn mạnh, mục tiêu của hội nghị là đặt nền móng cho một Afghanistan tự do, an ninh và thịnh vượng; đồng thời cam kết cộng đồng quốc tế sẽ không bỏ rơi đất nước này sau khi các binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi nơi đây vào năm 2014. Để Afghanistan có thể tự lực cánh sinh, các vấn đề như hỗ trợ tái thiết, hỗ trợ về dân sự, huấn luyện và rót tài chính cho các lực lượng an ninh (khoảng 350.000 người) của Afghanistan… đã được bàn thảo tại hội nghị.

Đây được xem là cơ hội để phương Tây tiếp tục khẳng định cam kết hỗ trợ quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, đằng sau sự thống nhất trên cơ sở tinh thần quốc tế hữu nghị giữa các nước với Afghanistan, dư luận cho rằng, mang đến hội nghị vẫn là những mâu thuẫn lợi ích giữa các cường quốc với các quốc gia trong khu vực. Trước hết, Hiệp ước Đối tác chiến lược giữa Washington và Kabul, được cho là nền tảng cho hội nghị tại Bonn, vẫn chưa được ký kết. Pakistan, quốc gia láng giềng đóng vai trò quan trọng nhất trong nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Afghanistan, đã tẩy chay hội nghị. Còn đại diện Taliban, điểm nhấn có thể tạo bước đột phá cho hội nghị, đã không xuất hiện. Điều này không dự báo một tương lai hòa giải ở quốc gia Nam Á này. Thêm vào đó, hậu quả sau hơn một thập kỷ chiến tranh với hàng nghìn người thiệt mạng và hàng tỷ USD được chi ra mà Afghanistan vẫn bất ổn đã trở thành đám mây đen che phủ hội nghị.

Không phải ngẫu nhiên, ông Kamran Bokhari, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề Nam Á thuộc Trung tâm Phân tích rủi ro chính trị STRATFOR cho rằng, Hội nghị Bonn lần này có một sự tương phản mạnh mẽ. Tuy nhiên, với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, hội nghị mang lại hai cơ hội. Thứ nhất, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về tương lai của Afghanistan. Thứ hai, đặc biệt quan trọng là bàn việc chuyển giao trách nhiệm an ninh cho chính quyền sở tại, chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự tại quốc gia này vào năm 2014. Do đó cuộc tập hợp tại Bonn vừa kết thúc được cho là một bước rút hoàn hảo của các nước tham chiến.

Sau hơn 10 năm Mỹ khai hỏa cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan (ngày 7-11-2001), lực lượng Taliban không những không bị tiêu diệt mà còn đang trỗi dậy. Trong khi đó, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã lan rộng từ Afghanistan không chỉ sang nước láng giềng Pakistan mà còn tới cả các nước Trung Đông, Châu Phi và Đông Nam Á. Thậm chí, các mạng khủng bố, trong đó có cả Al-Qaeda, đã có mặt trong các cuộc bạo động chính trị - xã hội ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông với cái gọi là "mùa xuân Arab". Còn trên phương diện kinh tế, theo ước tính, Afghanistan cần thêm khoảng 10 tỷ USD để hoàn thành quá trình tái thiết đất nước. Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, sau năm 2014, ngân sách hằng năm của Afghanistan sẽ thiếu khoảng 7 tỷ USD. Quân đội của quốc gia Nam Á sẽ không thể chiến đấu nếu không có tiền trợ giúp từ nước ngoài. Dẫu vậy, kết thúc hội nghị tại Bonn, cái mà Afghanistan nhận được vẫn chỉ dừng ở những cam kết hỗ trợ theo nguyên tắc phát triển kinh tế của lãnh đạo nhiều quốc gia tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, Afghanistan là quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt về địa - chính trị cũng như địa - chiến lược và Mỹ không muốn mất ảnh hưởng tại đây. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang gia tăng, vị thế vừa có được tại Afghanistan, quốc gia có chung biên giới với Iran, sẽ là tiền đề thuận lợi để cân bằng các lợi ích của Washington trong khu vực. Những gì vừa diễn ra tại Bonn thật sự chỉ là một khẳng định công khai về kế hoạch rút quân của Mỹ và NATO sau một xác lập mới về thế trong khu vực. Còn tương lai cho quốc gia này vẫn là một ẩn số khó đoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc thoái lui hoàn hảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.