Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tương lai khó đoán định

Quỳnh Chi| 19/11/2012 06:32

(HNM) - Dấu hiệu của những bất ổn xã hội đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ thuận với những biện pháp cắt giảm chi tiêu nghiệt ngã của các nước trong Liên minh Châu Âu (EU).


Liên tiếp trong nhiều tháng qua, từ "cái nôi" của cuộc khủng hoảng nợ công là Hy Lạp, đến các quốc gia như: Pháp, Italia và Anh… đều chứng kiến những cuộc xuống đường quy mô lớn phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng" gây tổn thương nặng nề tới hệ thống phúc lợi và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức kỷ lục.


Tỷ lệ thất nghiệp cao tại EU đang đẩy khu vực lún sâu vào bất ổn xã hội.

Đỉnh điểm của cơn thịnh nộ là làn sóng biểu tình đồng loạt ở 20/27 nước thành viên EU trong tuần qua. Đây là dấu hiệu cho thấy, người dân Châu Âu đang cạn dần kiên nhẫn trước các gói biện pháp ngăn chặn khủng hoảng quá hà khắc nhưng chưa mang lại hiệu quả mà nhiều chính phủ trong khu vực triển khai suốt 3 năm qua. Thay vì chờ đợi và hy vọng, dư luận bắt đầu có phản ứng theo chiều tiêu cực khi cho rằng Châu Âu cần những giải pháp khẩn cấp để đưa kinh tế phát triển đúng hướng, chứ không chỉ là những biện pháp khắc khổ làm tăng thuế, tăng tỷ lệ thất nghiệp khiến đời sống thêm nhiều khó khăn.

Theo thông báo mới nhất từ Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), con số thất nghiệp ở 17 nước sử dụng đồng euro vừa tăng thêm 146.000 người so với tháng trước lên 18,49 triệu, tương đương 11,6% - tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Số người thất nghiệp ở 27 nước thành viên EU cũng tăng lên 25,75 triệu. Trong đó, Hy Lạp, Tây Ban Nha đang ở vị trí đầu bảng với 1/4 dân số không có việc làm. Tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn trong vài tháng tới khi trợ cấp thất nghiệp tại 7 nước thành viên gồm: Áo, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Italia, Romania, Phần Lan và Thụy Điển tạm ngừng do ngân sách eo hẹp.

Trong khi đó, mọi nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân chưa đạt được hiệu quả. Suy thoái ngày càng có dấu hiệu lan rộng và có thể ảnh hưởng tới cả các nền kinh tế đầu tàu của khu vực như Đức, Pháp. Điều đáng nói là, hầu hết chính phủ các quốc gia thời gian qua ở Châu Âu và nhiều nước Châu Á đều chọn giải pháp cắt giảm chi tiêu thay vì tập trung cho kế hoạch tạo thêm việc làm bất chấp cảnh báo về sự hạn chế chi tiêu sẽ khiến tình hình có thể xấu đi.

Giữa lúc lòng tin của dân chúng và các nhà đầu tư tại Lục địa già đang trên đà lao dốc, thì Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lại tung ra một động thái khiến người dân EU thêm hoang mang. Định chế tài chính này tuyên bố (16-11) không muốn đóng góp thêm vào gói cứu trợ dành cho Hy Lạp. Cho đến nay, bất chấp hai gói cứu trợ chung của IMF, EU và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trị giá 240 tỷ euro cùng với cam kết xóa một phần nợ của khu vực tư nhân, Hy Lạp vẫn được dự báo sẽ bước vào năm thứ 6 suy thoái liên tiếp với "núi nợ khủng" lên tới 190% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2014. Vì vậy, dù tạm thoát được nguy cơ vỡ nợ sau khi nhận được khoản cứu trợ 31,5 tỷ, song tương lai của xứ sở Các vị thần vẫn rất khó đoán định và khả năng Athens phải rời khỏi Eurozone vẫn luôn nằm trong tính toán của các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh như vậy, sự có mặt của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh, thậm chí sắp tới có thể là Pháp, Đức - hai trụ cột kinh tế hàng đầu Châu Âu - trong cơn bão suy thoái khiến viễn cảnh hồi phục kinh tế tại Lục địa già thêm xa vời. Điều nguy hiểm là, lòng tin của người dân EU vào cách thức điều hành của các chính phủ, của các gói cứu trợ giờ đây đã gần bằng không. Gánh nặng "cơm áo, gạo tiền" cùng các chính sách cắt giảm phúc lợi xã hội khiến người dân EU bỏ ngoài tai những lời có cánh của các chính trị gia. Và, khi đối mặt với sự thực tàn nhẫn: "không tiền, không việc làm" - đồng nghĩa với không tương lai và hy vọng - thì làn sóng biểu tình dâng cao trong tuần qua ở các trung tâm tài chính của EU là không quá khó hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương lai khó đoán định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.