Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa có giải pháp cho khủng hoảng chính trị tại Mali

Trung Hiếu| 23/11/2012 07:09

(HNM) - Trái với hy vọng của Tổng thống Cote d'ivoire Alassane Ouattara, Chủ tịch đương nhiệm Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) về việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) sẽ thông qua nghị quyết cho phép can thiệp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Mali vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12-2012, ngày 20-11, LHQ đã loại trừ khả năng này.

Theo đặc phái viên LHQ về khu vực Sahel, ông Romano Prodi, tổ chức lớn nhất hành tinh đã không đồng ý kế hoạch can thiệp quân sự ngay lập tức vào Bắc Mali và dồn mọi nỗ lực cho một giải pháp đối thoại. LHQ nhấn mạnh, lúc này cần ưu tiên cho giải pháp chính trị. Cùng thời gian này, Tạp chí "Afrique" cho biết, Mỹ phê phán kế hoạch can thiệp của ECOWAS là "không có hiệu quả".

Các chiến binh nổi loạn thao túng miền Bắc đã và đang gây mất ổn định cho Mali.


Hồi trung tuần tháng 11-2012, Liên minh Châu Phi (AU) đã thông qua một kế hoạch can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali, do ECOWAS đệ trình. Trước đó, 15 nước thành viên ECOWAS cũng đã đạt được đồng thuận nhằm triển khai 3.300 quân tới Mali để hỗ trợ 5.500 binh sĩ nước này giành lại quyền kiểm soát miền Bắc đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm phiến quân Hồi giáo từ hơn nửa năm nay. Theo các thành viên AU, một kế hoạch như vậy là cần thiết trước khi LHQ thông qua kế hoạch triển khai quân sự tới Mali. Một thành viên Hội đồng Hòa bình và An ninh AU còn khẳng định ngoài mục đích giành lại quyền kiểm soát miền Bắc, quyết định cho phép can thiệp quân sự của AU còn giúp Mali xóa sổ các mạng lưới tội phạm và khủng bố; đồng thời khôi phục quyền kiểm soát an ninh của chính quyền trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, quyết định vừa qua của LHQ đã làm tiêu tan hy vọng của AU và ECOWAS nhằm giúp chính quyền quốc gia Châu Phi này ổn định tình hình.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3-2012, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren đã tạo cơ hội cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt Luật Hồi giáo Sharia. Nhưng, lực lượng Tuareg sau đó đã bị các nhóm vũ trang Hồi giáo lật đổ. Hiện khu vực miền Bắc Mali đang dưới sự kiểm soát của các nhóm Ansar Dine và Phong trào vì thống nhất và Jihad ở Tây Phi (MUJAO), được sự hậu thuẫn của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM).

Theo dự đoán của các nhà quan sát, kịch bản xấu nhất là các lực lượng vũ trang tại Sahel sẽ mở quan hệ với phiến quân Hồi giáo tại các khu vực lân cận như lực lượng Boko Haram ở Nigieria và thậm chí với lực lượng Shebab ở Somali. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm không chỉ với quốc gia Tây Phi này mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trong châu lục. Do đó, sự ổn định tại Mali đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo kế hoạch, khoảng 250 sĩ quan Châu Âu sẽ huấn luyện các đơn vị tác chiến và giúp cải tổ quân đội Mali trong một sứ mệnh có thể bắt đầu ngay vào tháng 1-2013 và kéo dài đến hết năm. Cùng thời gian này, Thủ tướng Mali Modibo Dierra cũng bày tỏ mong muốn đối thoại với hai nhóm vũ trang Hồi giáo Ancar Dine và Phong trào dân tộc giải phóng Azouad (MNLA) của người Touareg đang kiểm soát miền Bắc đất nước. Hy vọng, đó là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hiện nay nhằm khai thông cuộc khủng hoảng Mali trước khi cuộc khủng hoảng lan rộng trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa có giải pháp cho khủng hoảng chính trị tại Mali

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.