Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cuộc chiến khó khăn

Vân Khanh| 11/12/2012 06:53

(HNM) - Hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu lần thứ 18 (COP-18) đã kết thúc muộn hơn một ngày so với dự định. 24 giờ thảo luận sau chót (9-12) đã dẫn đến một thỏa thuận gia hạn Nghị định thư Kyoto đến năm 2020.


Siêu bão Sandy tàn phá bờ đông nước Mỹ được xem là hậu quả của biến đổi khí hậu.

Đây là một thành công của COP-18 xét trên góc độ Nghị định thư Kyoto - hiện là "vũ khí" duy nhất của cả thế giới nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu - sẽ hết hạn vào cuối năm nay trong khi một văn bản hậu Kyoto vẫn còn dang dở. Thỏa hiệp vừa đạt được tại Doha cũng đã phát đi thông điệp khẳng định nhân loại tiếp tục theo đuổi cam kết sống thân thiện với môi trường và bảo vệ nguồn sống của chính con người.

Thế nhưng, khi lượng khí thải CO2 vẫn tăng thêm 20% từ năm 2000 và nhiệt độ Trái đất đã cao hơn 4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gấp đôi mục tiêu mà LHQ đặt ra thì những gì vừa đạt được ở Qatar là quá khiêm tốn và không mang lại nhiều lạc quan. Không phải là lần đầu tiên, một COP phải kéo dài thời gian để các đại biểu không ra về tay trắng. Cũng chẳng phải các đại diện của 193 quốc gia đến vương quốc giàu có ở Vùng Vịnh mà không mang theo những nhận thức sâu sắc rằng, biến đổi khí hậu đang đe dọa sự tồn vong của loài người không phải là câu chuyện giả tưởng và nhân loại phải hành động trước khi quá muộn.

Cũng như nhiều hội nghị trước đó, cuộc chiến giữa những nước giàu và các nước nghèo liên quan đến hai vấn đề then chốt là cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mức đóng góp tài chính để giúp các quốc gia "tiền tiêu" chống lại những tác động của biến đổi khí hậu đã ngăn cản thế giới ký kết một văn bản pháp lý mới. Những tranh luận về chuyện không chỉ các nước phát triển phải giảm khí phát thải vào khí quyển mà cả những nước đang phát triển được xem là thần tốc như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... vốn đang đứng ngoài những quy định giảm thải cũng cần phải tuân thủ Nghị định thư Kyoto vẫn chưa có hồi kết. Và câu chuyện được quan tâm nhiều nhất là làm thế nào để nguồn quỹ 100 tỷ USD không chỉ là cam kết trên giấy vẫn là đề tài nóng bỏng. Viện dẫn những khó khăn về khủng hoảng kinh tế làm thu hẹp ngân sách trong nước, những đòi hỏi của các nước nghèo về việc các quốc gia giàu có - thủ phạm gây thủng tầng ozon với lượng khí thải CO2 khổng lồ nhiều năm qua - phải hỗ trợ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chưa có lời hồi đáp cụ thể.

Thế nhưng, những cơn thịnh nộ của thiên nhiên gần đây khẳng định không đợi chờ một ý chí chính trị và con người luôn phải cúi đầu. Đã quá xưa cũ khi gắn liền tình trạng Trái đất nóng lên với hình ảnh các khối băng tan chảy và những chú gấu Bắc cực lang thang tìm nơi ở mới. Những cánh đồng phì nhiêu ở Đông và Nam Á có thể biến mất vì nước biển dâng, nhiều thửa ruộng tại Châu Phi khô cằn vì hạn hán hay trắng xóa vì lũ lụt bất thường... cũng không còn mới mẻ. Khí hậu biến đổi gây những cơn bão tàn khốc như siêu bão Sandy hay làm giá lương thực toàn cầu tăng cao là những kịch bản hoàn toàn có thật. Rõ ràng, sự thay đổi của khí hậu không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt biên giới và cơn giận dữ của thiên nhiên chắc chắn mới chỉ bắt đầu nếu nhân loại không thực tâm chung tay bảo vệ mẹ Trái đất.

"Chúng ta phải lựa chọn sẽ đứng chung với nhau hay cùng ngã", lời cảnh báo của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại COP-18 được nhìn nhận như một yêu cầu khẩn thiết nhằm hướng tới một thỏa hiệp. Nhưng gần như ngay sau đó, cuộc tập hợp tại Doha lại chứng kiến sự rút lui của ba nước lớn là Canada, Nga và Nhật Bản. Vì vậy, dù muốn hay không cũng phải nhìn nhận thực tế là Nghị định thư Kyoto - cam kết mạnh mẽ nhất của thế giới về khí hậu - trên thực tế không có nhiều tính ràng buộc như kỳ vọng. Vì thế, cuộc chạy đua để cứu Trái đất khỏi sự tàn phá do chính con người gây ra vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một cuộc chiến khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.