Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn sóng bất ổn mới

Vân Khanh| 12/12/2012 07:18

(HNM) - Nhiều tai tiếng nhưng giàu có và đầy kinh nghiệm chính trường, cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi dường như vẫn là một chính trị gia quyền lực tại Italia.

Không lâu sau tuyên bố sẽ ra ứng cử nhiệm kỳ thủ tướng tới của chính trị gia này, Thủ tướng đương nhiệm Italia Mario Monti đã thông báo ý định từ chức. Ngay lập tức cuộc ra đi được báo của Thủ tướng Italia đã đẩy đất nước bên Địa Trung Hải vào cơn sóng bất ổn mới.


Ông M. Monti tiếp nhận vị trí lãnh đạo nội các trong thời điểm nền kinh tế Italia đầy khó khăn.

Cách đây gần một năm, trước nguy cơ đất nước sụp đổ vì nợ nần cộng thêm những cáo buộc gian lận và quan hệ cá nhân, tỉ phú S.Berlusconi đã phải từ nhiệm. Nhà kinh tế học M.Monti trở thành vị Thủ tướng không qua bầu cử của Italia và tiếp nhận từ người tiền nhiệm di sản là một nền kinh tế đã đứng bên bờ vực phá sản. Từ một trụ cột thứ ba của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), Italia đã liên tiếp bị tụt hạng tín nhiệm và đã có lúc phải nghĩ đến các gói cứu trợ quốc tế để sinh tồn. Các nhà đầu tư rời bỏ thị trường tiềm năng một thời trong lo ngại khiến Rome phải trả lãi suất cao kỷ lục khi vay mượn trên thị trường tự do. Mọi chuyện đến nay có vẻ đã yên ả hơn. Mặc dù vẫn là một điểm nối yếu trong chuỗi liên kết của Eurozone, nhưng các thông số kinh tế đã phát đi những tín hiệu lạc quan hiếm hoi từ quốc gia bên bờ Địa Trung Hải. Bằng một loạt chính sách cắt giảm chi tiêu, tăng thuế nhằm cân bằng ngân sách và giảm nợ công, chính phủ của Thủ tướng M.Monti đã đạt được những thành công bước đầu trong cuộc ngăn chặn thảm họa kinh tế toàn diện tưởng như sẽ ập xuống đất nước hình chiếc ủng. Châu Âu tạm thời dẹp sang một bên mối lo thường trực rằng, Italia sẽ nối gót Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Các lãnh đạo châu lục cũng đã không ít lần ủng hộ sự kiên quyết của ông M.Monti trong việc theo đuổi các gói chính sách "thắt lưng buộc bụng" gây không ít phiền toái. Cho dù vấp phải không ít sự chỉ trích của dư luận, nhưng sự cảm thông với người chèo lái con thuyền Italia trong cơn bão dữ dằn đã tăng lên. Sự kiện ông M.Monti hai lần vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ trong chưa đầy một năm qua để tiếp tục tại vị là chỉ dấu về niềm tin đối với nhà lãnh đạo nội các từ các nhà lập pháp Italia.

Do đó, tuyên bố sẽ từ chức trước thời hạn, ngay sau khi Quốc hội Italia thông qua gói ngân sách năm 2013 của Thủ tướng M.Monti đã tạo một cú sốc lớn. Sự ra đi của người được cho là niềm hy vọng đưa đất nước thoát cơn khủng hoảng liên quan trực tiếp đến sự kiện đảng Nhân dân tự do trung hữu của cựu Thủ tướng S.Berlusconi bất ngờ rút khỏi liên minh cầm quyền đã khiến cuộc từ nhiệm trở nên phức tạp hơn. Nếu ông M.Monti coi đây là bằng chứng chính phủ của ông không còn "được lòng" dư luận thì sự kiện này cũng khẳng định tình trạng "ông chẳng bà chuộc" ngay trong nội bộ chính trường Italia vào thời điểm rất cần sự đồng thuận. Chưa nói tới việc liệu ông S.Berlusconi có giành được thắng lợi trong lần tái xuất tới hay không, song điều gây hoang mang tại Italia hiện nay chính là đường lối kinh tế trái ngược của đảng Nhân dân tự do. Phản đối chính sách "khắc khổ" nhưng nhà tài phiệt 76 tuổi và các thân hữu trong chính đảng của ông cũng chưa đưa ra được một đường hướng cụ thể khả dĩ để hiện thực hóa cam kết sẽ mang lại sự đổi thay cho nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone. Sau những tháng ngày chật vật trong khó khăn, người dân Italia đã hiểu quá rõ rằng không thể có phép màu nào cho những hậu duệ của Ceasar và việc buộc phải thực hiện những biện pháp ngặt nghèo để giảm khối nợ công 126% GDP là một lộ trình không thể đảo ngược.

Theo đúng kế hoạch, nhiệm kỳ của Thủ tướng M.Monti sẽ kết thúc vào tháng 4 năm sau. Trong trường hợp ông từ chức thì một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra sớm hơn dự định. Thế nhưng, điểm cốt lõi hiện nay là Italia đang cần sự ổn định chính trị để chung tay khắc phục vết thương kinh tế thay vì xáo trộn chính trường để đổi lấy một tương lai chưa chắc chắn. Mới tạm qua cơn nguy kịch, diễn biến mới nhất trên chính trường đang biến Italia thành mối nguy tiềm tàng mới của Châu Âu. Bất kỳ một thay đổi nào về chính trị ở quốc gia này cũng sẽ khiến Cựu lục địa phải cài đặt lại các mối quan hệ đối tác và vận hành chính sách kinh tế phù hợp nhằm đạt mục tiêu đưa Italia ra khỏi danh sách những nạn nhân của cơn bão nợ công. Nhưng, những chỉ dấu vừa phát đi từ Rome lại cho thấy con đường vượt thoát của Italia xem ra còn rất dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơn sóng bất ổn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.