Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn ác mộng của tự do Mỹ

Thùy Dương| 18/12/2012 06:26

(HNM) - Mỹ là quốc gia có số dân sở hữu súng nhiều nhất thế giới với khoảng 270 triệu khẩu súng, cứ 10 người Mỹ thì có 9 khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Trong khi đó, hầu hết các quy định dùng súng chỉ ở cấp độ bang.

Đau lòng hơn trong số nạn nhân đó có tới 20 trẻ em mới từ 6 đến 7 tuổi. Trong số những nạn nhân có cả mẹ của sát thủ và 5 người khác là hiệu trưởng, giáo viên và nhân viên của nhà trường.


Nỗi đau tột cùng của người dân bị mất người thân trong vụ xả súng.

Đến nay, nguyên nhân khiến hung thủ Adam Lanza (20 tuổi) sát hại những con người vô tội vẫn là một bí ẩn. Một câu hỏi đang làm day dứt không chỉ xứ Cờ hoa: Đây không phải là vụ xả súng đầu tiên tại Mỹ, nhưng vì sao thảm kịch này vẫn tiếp diễn? Chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama, đã xảy ra 10 vụ xả súng hàng loạt. Gần đây nhất vào tháng 7 vừa qua, James Holmes, 24 tuổi, đã nã đạn trong buổi công chiếu bộ phim "Người dơi trở lại", làm 12 người thiệt mạng, 58 người bị thương.

Mỹ là quốc gia có số dân sở hữu súng nhiều nhất thế giới với khoảng 270 triệu khẩu súng, cứ 10 người Mỹ thì có 9 khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Trong khi đó, hầu hết các quy định dùng súng chỉ ở cấp độ bang. Hơn thế, luật về dùng súng cũng rất khác nhau ở các bang nên người ta có thể dễ dàng lách luật. Bộ luật có tên là Brady, được Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 1993, yêu cầu phải kiểm tra thân thế, gốc gác của những người mua bán vũ khí ở Mỹ, nhằm phát hiện dấu hiệu "đỏ" trong hành vi phạm tội cũng như tiền sử tâm thần của các cá nhân. Song 40% số vụ mua bán vũ khí không bị ảnh hưởng bởi luật này vì phần lớn diễn ra theo thể thức trao tay hoặc diễn ra ngay ở các cửa hàng bán súng. Những vụ mua bán như thế không được chính quyền liên bang kiểm soát. Luật Brady chỉ quan tâm đến các nhà sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu vũ khí có giấy phép và chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ. Trong khi đó, Liên minh Những thị trưởng chống súng bất hợp pháp (MAIG) - gồm các thị trưởng muốn áp dụng luật dùng súng liên bang, bang, luật địa phương một cách chặt chẽ hơn đã phát hiện hàng triệu tài liệu về người có vấn đề tâm thần không được đưa vào cơ sở dữ liệu. Theo MAIG, nước Mỹ đang tồn tại những nghịch lý trong quản lý kiểm soát súng, do vậy, Hiến pháp Mỹ cần phải nhìn nhận lại vấn đề này.

Nhưng, bất chấp những thảm kịch đã xảy ra, việc ủng hộ siết chặt luật sở hữu súng đạn vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, lịch sử nước Mỹ gắn liền với súng như một "tập quán" không dễ xóa bỏ. Nguyên nhân là từ khi lập quốc, mở rộng lãnh thổ về miền Tây hay tăng cường ảnh hưởng ra toàn cầu, bên cạnh người Mỹ luôn là súng đạn và không xác định được từ lúc nào vũ khí chết người này trở thành thứ văn hóa chết chóc ở Mỹ như một đặc điểm để phân biệt Mỹ với những quốc gia khác. Tình trạng bạo lực ở Mỹ thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhiều người dân nước này không dám đặt trọn vẹn niềm tin vào cơ quan chức năng. Họ muốn tự vũ trang để bảo vệ bản thân và gia đình. Thế là họ mua súng như một sự khẳng định quyền tự do cơ bản cá nhân. Và quan trọng hơn cả, các tập đoàn vũ khí mỗi năm kiếm hàng chục, thậm chí hàng tỷ USD từ việc kinh doanh súng đạn, cũng như nhiều vũ khí khác. Với nguồn thu lớn như thế, các vận động hành lang nhằm ngăn chặn mọi hạn chế sử dụng súng luôn ở thế thượng phong. Như vậy Tổng thống B.Obama sẽ gặp không ít trở ngại khi muốn kết thúc các vụ xả súng kinh hoàng như ở Connecticut ngay trong nhiệm kỳ. Dẫu vậy, người dân Mỹ cũng đã có được cam kết các thảm kịch tương tự sẽ không lặp lại từ người đứng đầu đất nước.

Tuy nhiên, theo Thị trưởng New York Michael Bloomberg, chỉ đơn giản kêu gọi dùng "các biện pháp hiệu quả" của Tổng thống B.Obama là không đủ. Một đạo luật phù hợp để ngăn chặn thảm họa là giải pháp không thể chậm trễ với nước Mỹ. Trước ông B.Obama, đã có nhiều Tổng thống Mỹ hứa hẹn "những biện pháp hiệu quả" để ngăn chặn các thảm kịch tương tự nhưng đều thất bại. Hy vọng đương kim Tổng thống B.Obama sẽ là một tổng thống đầu tiên của nước Mỹ chấm dứt một thảm họa đang ở phía trước và mang lại cho nước Mỹ sự bình yên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chia buồn về vụ thảm sát ở Mỹ
Được tin về vụ thảm sát xảy ra tại Trường Tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, Mỹ, ngày 17-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi tới Tổng thống B.Obama và nhân dân Mỹ, đặc biệt là gia đình các nạn nhân lời chia buồn và sự cảm thông sâu sắc nhất. Chủ tịch nước bày tỏ hy vọng Tổng thống B.Obama và nhân dân Mỹ sẽ sớm vượt qua thời điểm khó khăn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơn ác mộng của tự do Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.