Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lung lay những bức tường thành

Vân Khanh| 27/12/2012 06:39

(HNM) - Đã có những ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng nợ Cựu lục địa nguy hiểm không chỉ vì nó có thể gây ra cái chết tức thì cho những thành viên của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) mà còn bởi những hệ lụy của nó với các quốc gia


Đến giờ này, mọi lạc quan về giới hạn khu trú của "căn bệnh thế kỷ" tại Châu Âu được chứng minh là vô cùng thiếu thực tế. Hiểm họa từ cuộc chiến với nợ nần đã lan tới những phần cơ thể có khả năng "đề kháng" mạnh nhất của Lục địa già.


Xuất khẩu hàng hóa của Thụy Điển bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu.

Trong một thời gian dài, đối lập với một Nam Âu tan hoang vì bão tố nợ công, Bắc Âu đã trở thành điểm tựa niềm tin cho cả châu lục. Với nền tảng kinh tế vững chãi, ổn định, với mức sống cao có thứ hạng trên thế giới và đặc biệt là không sử dụng đồng euro, những quốc gia ở phía Bắc của Cựu lục địa được ví như một bức tường thành khó bị công phá bởi mọi biến cố tài chính từ bên ngoài. Thế nhưng, những ngày vàng của Bắc Âu dường như đã hết, vùng đất lành của Châu Âu bắt đầu bị ảnh hưởng từ cơn khủng hoảng lịch sử.

Thụy Điển vừa khẳng định xu thế đáng buồn này khi trở thành đất nước thứ ba tại Bắc Âu thông báo hạ dự báo tăng trưởng kinh tế. Thay vì mức 2,7%, Stockholm bất ngờ đưa dự kiến GDP của năm 2013 xuống 1,1%. Sự khiêm tốn của Thụy Điển không là vô cớ vì trên thực tế, đất nước Tuyết trắng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, cách xa so với dự báo 1,6% trước đó. Từ một thiên đường việc làm, giờ đây người Thụy Điển đã biết thế nào là mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp dự báo còn tăng từ mức trung bình 7,7% năm nay lên 8,2% vào năm sau cho thấy rõ những khó khăn kinh tế của quốc gia Bắc Âu này trong tương lai gần.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Stockholm không phải là đất nước duy nhất tại "lá chắn" tài chính của Châu Âu gặp vấn đề về tăng trưởng. Cách đây không lâu, Đan Mạch cũng đã hạ thấp dự báo GDP từ 1,7% xuống 1,2% năm 2013 trong lúc tăng trưởng kinh tế năm 2012 chỉ đạt 0,5% so với mong muốn 0,9%. Phần Lan thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Những số liệu thống kê khẳng định quê hương của ông già Noel đã ba quý liên tiếp tăng trưởng âm và như thế, về lý thuyết Helsinki đã chính thức rơi vào suy thoái. Mức tăng trưởng 0,5% cho năm 2013 mà quốc gia này kỳ vọng sẽ là nhiệm vụ khó khăn trong thời buổi suy thoái hiện nay.

Nếu sự suy tàn của Nokia - một đế chế viễn thông mà sức ảnh hưởng của nó đã ăn sâu vào rất nhiều ngành kinh tế của Phần Lan được xem như một tác nhân tiêu cực giáng vào nền kinh tế nước này thì khủng hoảng nợ công nắm giữ lời giải cho sự giảm sút phong độ của những mãnh hổ Bắc Âu. Không bị vướng vào "vòng kim cô" nợ nần giống những người bạn phương Nam như Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… nhưng sự vượt thoát khó khăn của Eurozone đã cản trở bước tiến của Bắc Âu. Trên thực tế, cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu đã không thể khiến khu vực này thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng. Khi xuất khẩu chiếm gần một nửa GDP của Thụy Điển, 40% của Phần Lan và hơn 30% của Đan Mạch thì việc Bắc Âu bị suy yếu vì bão nợ cũng là chuyện ắt phải đến. Thật khó để có thể tăng trưởng trong khi những đối tác thương mại chủ chốt từ Eurozone đồng loạt cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn nguy cơ phá sản.

Với những hồi chuông cảnh báo vừa rung lên từ Bắc Âu, mùa Giáng sinh ở Lục địa già như bị thổi thêm hơi lạnh. Tại mắt bão Hy Lạp, sự kiện Athens được nâng tín nhiệm từ vỡ nợ một phần lên B - cho nợ dài hạn và B với nợ ngắn hạn không đủ sưởi ấm cả Châu Âu đang tê tái vì nợ nần. Nhưng dù sao, đó cũng là tin vui để Cựu lục địa tiếp tục đặt niềm tin vào cuộc đấu sinh tử với bóng ma nợ công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lung lay những bức tường thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.