Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc phô diễn trước thềm năm mới

Trung Hiếu| 28/12/2012 07:26

(HNM) - Hôm nay (28-12), quân đội Iran chính thức bước vào cuộc tập trận hải quân lớn ở vùng biển phía Nam nước này.


Theo Tư lệnh Hải quân Iran, Thiếu tướng Habibollah Sayyari, cuộc tập trận mang mật danh "Bảo vệ 91" diễn ra trong 6 ngày, tại eo biển Hormuz, biển Oman và phía bắc Ấn Độ Dương, bao phủ diện tích 1 triệu kilômét vuông, nhằm thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu và khả năng của hải quân trong bảo vệ lãnh hải quốc gia.


Cuộc tập trận hải quân của Iran đang tạo thêm căng thẳng mới cho cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này.


Tehran cho biết, lực lượng tham gia tập trận sẽ thử nghiệm các hệ thống phòng thủ, tên lửa, tàu chiến cũng như tàu ngầm và mục tiêu quan trọng của "Bảo vệ 91" là đối phó với các mối đe dọa của kẻ thù và tăng khả năng sẵn sàng ứng phó trên biển của hải quân.

Cuộc tập trận diễn ra ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vừa kết thúc cuộc tập trận hải quân "Fajr 91" (từ ngày 25 đến 28-12) tại vùng Vịnh. Trước đó, Iran cũng đã mở cuộc tập trận hải quân "Bảo vệ 90", trong 10 ngày, tại vùng biển phía Nam gồm: vùng Vịnh, biển Hormuz và biển Oman. Tại các cuộc tập trận, Tehran đã bắn thử các tên lửa tầm xa và tầm ngắn. Các tàu ngầm của Iran cũng bắn trúng các mục tiêu xác định bằng các ngư lôi tự chế tạo... Một loạt động thái trên biển của Iran đã phát đi thông điệp cứng rắn về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước cộng hòa Hồi giáo này với các cường quốc phương Tây trước thềm năm mới. Trong khi đó, bất chấp các biện pháp siết chặt, bao vây cấm vận, ngày 23-12, trả lời phỏng vấn cơ quan truyền thông, Phái đoàn đại diện thường trực Iran tại Liên hợp quốc (LHQ), cho biết, nước này hoàn toàn đủ sức để vượt qua lệnh cấm vận kinh tế nghiệt ngã của Mỹ và đồng minh. Cùng ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Ghasemi tuyên bố đã vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong lĩnh vực xuất khẩu dầu. Tehran giờ đã có thể xuất khẩu dầu tới "những địa điểm xa hơn" trên khắp thế giới.

Với những gì đang diễn ra cho thấy "cuộc đua" sở hữu hạt nhân vì mục đích hòa bình của Tehran với các nước chống đối vẫn không hề ngơi nghỉ. Bằng cuộc tập trận vừa khai cuộc tại eo biển Hormuz - một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới để xuất khẩu các sản phẩm dầu và dầu lửa của các nước vùng Vịnh - Tehran một lần nữa đưa ra cảnh báo: "nếu thế giới muốn khu vực này trở nên bất ổn, Iran sẽ khiến thế giới bất ổn". Đó là đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 17% lượng dầu thô trên toàn thế giới "chảy" qua, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng lượng giao dịch dầu mỏ bằng đường biển toàn cầu. Nếu cánh cửa Hormuz bị đóng, giá dầu thế giới không những chao đảo mà còn có thể gây những hệ lụy khôn lường. Bằng các cuộc tập trận dồn dập trong thời gian gần đây, Tehran muốn tái khẳng định tiềm lực quân sự để đối phó với cuộc bao vây siết chặt về quân sự của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang tiếp tục quanh quốc gia Hồi giáo này. Trước khi "Bảo vệ 91" khai cuộc, Washington đã lặng lẽ bố trí lại lực lượng tại nhiều nước vùng Vịnh như: Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman. Đồng thời, các tàu phá mìn tại vùng Vịnh của Mỹ cũng đã được tăng gấp đôi lên 8 chiếc từ tháng 6-2012. Không quân Mỹ lần đầu tiên triển khai máy bay chiến đấu tiên tiến nhất F-22 ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Trong khi đó, tàu chiến USS Eisenhower và USS Abraham Lincoln của Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường và tàu tuần dương cũng đã, đang hiện diện ở vùng Vịnh và ở biển Bắc Arab. Gần đây, sự kiện NATO triển khai tên lửa Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã tạo thêm "sức nóng" cho vùng Trung Cận Đông này.

Các cuộc tập trận dồn dập và mới nhất là "Bảo vệ 91" được cho là động thái giành lợi thế của Tehran trước khi bước vào cuộc đàm phán mới với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, dự kiến diễn ra vào ngày 16-1-2013. Dẫu vậy, cuộc thao diễn vũ khí có độ che phủ cả triệu kilômét vuông mặt biển - trong đó có eo biển Hormuz - của Tehran đã và đang gây thêm lo ngại cho cộng đồng quốc tế; dự báo căng thẳng về hạt nhân của Iran trong năm mới là không thể sớm vơi giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc phô diễn trước thềm năm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.