Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị thế địa - chiến lược toàn cầu

Đình Hiệp| 31/12/2012 07:12

(HNM) - Không căng thẳng như những cuộc xung đột bạo lực đẫm máu ở một số quốc gia Trung Đông - Bắc Phi, nhưng 2012 vẫn là năm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với các cuộc chuyển giao quyền lực đáng chú ý, các chuyến thăm ngoại giao con thoi tấp nập, hàng chục hội nghị quốc tế lớn nhỏ diễn ra cùng sự điều chỉnh chiến lược ngoại giao hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương năm qua của một loạt cường quốc, khiến khu vực càng khẳng định vị thế trên bàn cờ chiến lược thế giới.

Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Bất chấp những khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cơn bão nợ công hoành hành khắp Châu Âu, thì Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Hai cường quốc kinh tế mới nổi Trung Quốc và Ấn Ðộ dự kiến đạt mức tăng trưởng lần lượt là 8,6% và khoảng 7%; các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN… tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng cao, trong khi tỷ lệ lạm phát hằng năm của cả khu vực dự kiến giảm từ 6,1% xuống còn 4,8%. Với vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỷ USD, Trung Quốc đang là "nhà đầu tư" triển vọng để Lục địa già hiện thực hóa các giải pháp đối phó với cơn khủng hoảng nợ công.

Chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một loạt nền kinh tế trong khu vực năm qua khiến nhiều chuyên gia phân tích lạc quan rằng, Châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển từ một khu vực đói nghèo thành nơi có số lượng tầng lớp trung lưu đông nhất thế giới, chuyển từ khu vực sản xuất hàng gia công giá rẻ trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ các sản phẩm cao cấp của phương Tây. Sự trỗi dậy này khiến nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ bừng tỉnh và buộc phải nhìn nhận Châu Á - Thái Bình Dương với một cái nhìn khác. Đó cũng là lý do vì sao năm qua Washington cùng một loạt đồng minh như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… đặt trọng tâm ưu tiên với khu vực này, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn điều chỉnh cả chiến lược quân sự và ngoại giao.

Một trong những quốc gia tiên phong chuyển hướng chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương mạnh mẽ nhất là Mỹ. Sau hơn nửa thế kỷ tập trung vào Châu Âu thời chiến tranh lạnh và một thập niên vào Trung Đông thời kỳ chống khủng bố, Mỹ đã không úp mở nhận ra rằng tương lai của Mỹ cũng như thế giới sẽ phụ thuộc vào Châu Á - Thái Bình Dương, ít nhất trong vài ba thập niên tới. Chính khu vực này chứ không phải nơi nào khác trên thế giới trên mọi góc độ sẽ góp phần củng cố vị thế siêu cường số 1 của nước Mỹ.

Khẳng định để chấn hưng nền kinh tế trong nước Washington cần tìm đến Châu Á như một cứu tinh, Tổng thống Barack Obama cho rằng khu vực này sẽ giúp Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu vào năm 2015, giúp nước này tạo thêm nhiều việc làm để cải thiện tình trạng thất nghiệp hiện nay. Điều đó giải thích vì sao Washington ra sức thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm trở thành hiện thực, thông qua Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tương lai về sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 cũng ngày càng trở nên hấp dẫn không chỉ với Mỹ. Không dừng lại ở đó, Mỹ đang đẩy mạnh xây dựng một liên minh gồm một loạt nước Châu Á với việc tăng cường sức mạnh quân sự, sự hiện diện của tàu sân bay… nhằm chiếm cho được ưu thế ảnh hưởng ở Đông Bắc và Đông Nam Á.

Năm 2012 được nhiều chuyên gia phân tích đánh giá là năm bản lề cho việc hình thành một trật tự thế giới mới, trong đó việc các "nước lớn" như Mỹ, Nga, Trung Quốc… chọn Châu Á - Thái Bình Dương làm ưu tiên hàng đầu trên bàn cờ chiến lược ngoại giao là xu thế tất yếu. Nói như vậy không có nghĩa khu vực không có những nguy cơ gây bất ổn tiềm tàng. Tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, căng thẳng về chủ quyền lãnh hải trên Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Nhật Bản với Hàn Quốc, bất đồng giữa Trung Quốc với một loạt nước trên Biển Đông… sẽ tiếp tục khiến Châu Á - Thái Bình Dương thu hút sự quan tâm của thế giới trong năm mới 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị thế địa - chiến lược toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.