Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc giằng co chưa có hồi kết

Thùy Dương| 06/01/2013 06:50

(HNM) - Trái ngược với thời tiết giá lạnh đang bao trùm nhiều lục địa, quan hệ Anh - Argentina lại


Ngày 3-1 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron lên tiếng bác bỏ đề nghị của Tổng thống Argentina Cristina Fernández khi muốn Anh trao trả chủ quyền quần đảo Falkland mà phía Argentina gọi là Malvinas; đồng thời khẳng định "sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ lợi ích" của người dân ở quần đảo phía Nam Đại Tây Dương này. Trước đó, Tổng thống Argentina C.Fernández đã gửi thư cho ông Cameron nhân 180 năm ngày xảy ra sự kiện mà bà gọi là "quần đảo Falkland/Malvinas bị cưỡng chiếm". Đây không phải là lần đầu tiên bà C.Fernández trực tiếp nêu vấn đề này với nhà lãnh đạo nước Anh. Tuy nhiên suốt 30 năm qua, Anh và Argentina vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo này.


Một giàn khoan thăm dò khai thác dầu khí của Anh ở quần đảo Falkland/Malvinas.

Nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách điểm đầu của Nam Mỹ khoảng 480km về phía đông, quần đảo Falkland/Malvinas từ lâu được coi là điểm trung chuyển chiến lược và dồi dào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dù xa xôi cách biệt nhưng nó lại là tiêu điểm cho những tranh cãi phức tạp về chủ quyền giữa Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Argentina. Argentina chính thức tuyên bố chủ quyền với quần đảo này năm 1820, buộc Anh quốc phải lên tiếng khẳng định lại chủ quyền mà họ đã tuyên bố từ năm 1765. Đáng chú ý là từ năm 1982, Anh kiểm soát quần đảo và 2.500 cư dân hiện sống trên đảo Falkland trông chờ có được nguồn hỗ trợ dầu, đánh cá, canh tác và thu nhập du lịch từ London. Từ năm 1998, Tập đoàn Shell đã xác nhận xung quanh Falkland/Malvinas có dầu hỏa. Nhưng thời điểm ấy, giá mỗi thùng dầu thô chỉ trên dưới 10 USD. Hơn một thập niên sau, giá dầu tăng vọt và hiện đã ở mức trên dưới 120 USD/thùng; đồng thời các thiết bị kỹ thuật trong khai thác dầu mỏ đã tiến bộ vượt bậc. Do vậy, vùng biển phía Nam Đại Tây Dương đã trở thành một mỏ vàng thật sự. Có 6 công ty năng lượng của Anh hiện đang tiến hành thăm dò tại đây và các chuyên gia ước tính tiềm năng dầu hỏa của Falkland/Malvinas từ 10 đến 60 tỷ thùng. Phía Anh dự tính có thể bắt đầu khai thác vào năm 2016 với sản lượng 150.000 thùng/ngày và với mỗi thùng bán ra, ngân sách địa phương sẽ được hưởng 9%. Như vậy, với giá dự kiến 105 USD/thùng, mỗi ngày Falkland/Malvinas sẽ "đút túi" gần 1,5 triệu USD. Và chẳng mấy chốc xứ sở Sương mù sẽ có đủ nguồn tài chính để tự trang bị về mặt quân sự. Đây là một trong những lý do khiến Anh có thêm động lực để "giữ chặt" vùng lãnh thổ hải ngoại Falkland/Malvinas.

Rõ ràng, căng thẳng giữa Anh và Argentina liên quan đến vấn đề chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas đã tăng nhiệt sau khi Anh cho phép các công ty tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại quần đảo tranh chấp. Argentina đang tìm mọi cách ngăn cản việc khai thác dầu ở đây. Vì, một khi dầu thô bắt đầu được bơm lên, sẽ rất khó để quốc gia Nam Mỹ này đòi hỏi được quyền lợi. Giữa tháng 3-2012, Buenos Aires đã cảnh báo sẽ có hành động pháp lý chống lại các công ty tham gia khai thác dầu tại khu vực quần đảo. Tổng thống C.Fernández lên án, gọi đây là "hành động cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của Argentina". Argentina còn phát động một chiến dịch kêu gọi các nước Nam Mỹ không chấp nhận các tàu mang cờ Falkland/Malvinas cập cảng. Brazil, Uruguay và Chile đã lên tiếng khẳng định ủng hộ đề nghị này của Argentina. Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, nhưng phía Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp nào về chủ quyền tại Falkland/Malvinas. Theo kế hoạch, vào tháng 3 năm nay, chính quyền trên quần đảo Falkland/Malvinas sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế chính trị mà giới truyền thông dự báo sẽ có đa số ủng hộ việc tiếp tục là lãnh thổ thuộc chủ quyền Vương quốc Anh.

Theo các nhà phân tích, dù xung đột quân sự khó diễn ra, song căng thẳng giữa Anh và Argentina có thể sẽ hủy hoại kỳ vọng của Anh trong nỗ lực thắt chặt quan hệ với các nền kinh tế đang nổi tại Mỹ Latin. Bởi hiện tại, các nước trong Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) luôn ủng hộ Argentina trong tranh chấp chủ quyền với Anh tại Falkland/Malvinas. Trong bối cảnh như vậy, hồi kết cho cuộc giằng co giữa Anh và Argentina về chủ quyền quần đảo trên Đại Tây Dương là khá xa vời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc giằng co chưa có hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.