Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thách thức tiềm ẩn tại Ai Cập

Trung Hiếu| 28/01/2013 07:05

(HNM) - Cuối tuần qua, tại Ai Cập, biểu tình đã diễn ra tại nhiều thành phố do phe đối lập phát động phản đối Tổng thống Mohamed Morsi và Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) nhân kỷ niệm hai năm nổ ra làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak (25-1).


Chỉ trong ngày 26-1, ít nhất 30 người, trong đó có 2 cảnh sát đã thiệt mạng và hơn 300 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình quá khích xảy ra ở thành phố Suez, thuộc tỉnh Port Said. Đến nay, theo người phát ngôn quân đội Ai Cập Ahmed Ali, các binh sĩ đã giành lại quyền kiểm soát khu vực xung quanh nhà tù Port Said, trụ sở Cơ quan quản lý kênh đào Suez, các tòa nhà công vụ, ngân hàng, tòa án cũng như các nhà máy điện và nhà máy nước... Quân đội cũng triển khai nhiều tàu chiến dọc theo kênh đào Suez để bảo đảm an ninh trên tuyến giao thương xuyên lục địa huyết mạch này.

Biểu tình và xung đột tại Ai Cập đang lan rộng khiến dư luận lo ngại về tương lai, sự ổn định của quốc gia Bắc Phi này.


Trong khi đó, bạo lực, xung đột và các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 25-1, người biểu tình Ai Cập đã phóng hỏa trụ sở của MB ở thành phố kênh đào Ismailiya. Còn tại thành phố biển Alexandria, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập, khi những người biểu tình phóng hỏa, đốt phá trên các đường phố. Trong khi đó, tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo, hàng nghìn người tập trung phản đối MB đang nắm giữ quyền lực; đồng thời chỉ trích Tổng thống M.Morsi không thực hiện những cam kết cải cách...

Đến nay, đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trong làn sóng biểu tình cuối tuần qua trên toàn quốc nhân kỷ niệm lần thứ hai cuộc chính biến Ai Cập đã làm 7 người thiệt mạng và 456 người khác bị thương. Ngày 26-1, Bộ trưởng Thông tin Ai Cập Sala Abdel Maqsoud cho biết, Hội đồng Quốc phòng, do Tổng thống M.Morsi đứng đầu, đã lên án các vụ bạo lực đường phố và kêu gọi đối thoại rộng khắp trên cả nước để giải quyết những bất đồng về chính trị. Hội đồng kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tham gia một cuộc đối thoại dân tộc rộng rãi do các nhân vật trung lập làm trung gian nhằm chấm dứt tình trạng chính trị căng thẳng hiện nay ở Ai Cập. Trước đó, phe đối lập chính tại Ai Cập là Mặt trận Cứu quốc (NSF) dọa sẽ tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới nếu Tổng thống M.Morsi không tìm được một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng ở nước này. NSF còn kêu gọi thành lập một "chính phủ cứu quốc" và dự định tổ chức các hoạt động phản đối kéo dài tới ngày 11-2, đánh dấu thời điểm ông H.Mubarak buộc phải thông báo từ chức tổng thống cách đây 2 năm...

Dư luận khu vực cho rằng các cuộc biểu tình nhân 2 năm sau sự kiện hạ bệ chế độ của ông H.Mubarak chỉ là cái cớ của phe đối lập nhằm gây mất ổn định xã hội Ai Cập. Cội nguồn mâu thuẫn dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ai Cập là cuộc ganh đua quyền lực giữa các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này. Bởi khi ông M.Morsi trở thành tổng thống mới, xứ Kim Tự tháp đã bước vào bước ngoặt mới. Đó là cho phép MB trở lại chính trường sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Sự kiện này đã khơi mào cho cuộc đấu đá quyền lực giữa MB mà ông M.Morsi là đại diện với bên kia là giới quân sự nắm quyền lâu nay ở đất nước Bắc Phi. Thêm vào đó, kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước, ông M.Morsi liên tục trao cho MB nhiều ưu ái càng khiến các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn...

Trong một diễn biến mới, ngày 25-1, ông M.Morsi đã kêu gọi người dân Ai Cập kỷ niệm cuộc lật đổ "một cách hòa bình và văn minh"; đồng thời, lên tiếng lần đầu tiên về lịch trình bầu cử sắp tới giữa lúc có nhiều tin đồn không thống nhất. Theo đó, ông M.Morsi cho biết, cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập sẽ được tổ chức trong vòng từ 3 đến 4 tháng tới. Tiến trình bầu cử sẽ được khởi động vào ngày 25-2 theo đúng quy định của Hiến pháp mới: bầu cử Quốc hội phải được tổ chức trong vòng 2 tháng sau khi Hiến pháp được thông qua. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên chính trường Ai Cập, dư luận Bắc Phi cho rằng cơn "sóng ngầm" ở quốc gia này không dễ nguôi ngoai khi cuộc đua quyền lực được cho mới chỉ là bắt đầu và không dễ sớm có hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thách thức tiềm ẩn tại Ai Cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.