Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cục diện mới trong quan hệ quốc tế

Thùy Dương| 29/01/2013 06:29

(HNM) - Trước những biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin - Caribe và Liên minh Châu Âu lần thứ nhất (CELAC-EU) vừa bế mạc tại thủ đô Santiago (Chile) đã đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề kinh tế toàn cầu; đồng thời tạo cơ hội để hai bên hướng tới quan hệ hợp tác bình đẳng và bền vững.

Phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh CELAC - EU tại thủ đô Santiago (Chile) cuối tuần qua.


Với chủ đề "Liên minh vì sự phát triển bền vững thông qua thúc đẩy đầu tư xã hội và môi trường có chất lượng", Hội nghị CELAC-EU tại xứ Quả ớt quy tụ hơn 40 nhà lãnh đạo quốc gia ở cả hai châu lục, cùng ban lãnh đạo EU và đại diện một số tổ chức khu vực và quốc tế. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa EU gồm 27 thành viên với CELAC - tổ chức mới được thành lập hồi tháng 12-2011 gồm tất cả các nước Châu Mỹ, trừ Mỹ và Canada - nhằm thúc đẩy thương mại khu vực và hợp tác về mặt thể chế. Thực tế, quan hệ EU - Mỹ Latin dù có cội nguồn từ nhiều thế kỷ trước nhưng chỉ thật sự cởi mở và phát triển vào nửa cuối thế kỷ XX. Với những cải cách tiến bộ trong hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ Latin đã trở thành một đầu cầu của nền kinh tế thế giới và đang tìm tới những đối tác mới. Và, Châu Âu như một "duyên nợ" lịch sử đã trở thành một đối tác tất yếu. Do đó, cuộc gặp CELAC-EU có thể nói đã diễn ra đúng lúc trong bối cảnh một Châu Âu khủng hoảng đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ Latin không chỉ đứng ngoài "tâm bão" suy thoái mà còn có nền kinh tế phát triển tốt hơn nhiều so với một EU đang chìm trong khủng hoảng.

Trước đây, mỗi lần có cuộc gặp cấp cao giữa EU với các tổ chức hợp tác và liên kết khu vực khác, trong đó có Mỹ Latin - với tư cách là một tập hợp các quốc gia đang phát triển - thì câu hỏi quen thuộc là Châu Âu giúp, viện trợ gì cho các nước? Nhưng, giờ đây, mọi thứ đang thay đổi khi chính EU đang cần sự hợp tác và hậu thuẫn của các tổ chức, khu vực trên toàn cầu để vượt qua khó khăn. Kinh tế các nước Mỹ Latin dự kiến tăng trưởng 4% trong năm nay và GDP của các nước Mỹ Latin có thể tăng gấp đôi từ nay tới năm 2030 - trong khi đó với EU, dự kiến là tăng trưởng âm. Thành công của các nước Mỹ Latin và Caribe được cho là đã rút ra nhiều bài học từ quá khứ như: áp dụng kinh tế vĩ mô thận trọng và tăng cường chính sách xã hội tiến bộ. Đây là điều trái ngược với các nước EU, nơi người ta đang đổ lỗi "khủng hoảng" lên "tội đồ" mang tên: quỹ phúc lợi xã hội. Rõ ràng cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại Châu Âu đã làm thay đổi nhãn quan của EU với Mỹ Latin. Hiện tại EU coi Mỹ Latin như một đối tác chiến lược bình đẳng và là một khu vực có thể giúp Lục địa già giải quyết khó khăn. Theo Ngoại trưởng Chile Rafael Moreno, đây là lần đầu tiên Mỹ Latin có một vị thế đặc biệt giúp Châu Âu tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế. Còn các nhà lãnh đạo Châu Âu không thể nói khác rằng, họ rất cần Mỹ Latin vào thời điểm này để vực dậy nền kinh tế đang lao đao. Giá trị giao thương giữa EU và Mỹ Latin tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đạt 200 tỷ euro vào năm 2012. Châu Âu hiện là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại khu vực Mỹ Latin và Caribe. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế giữa hai khu vực là rất lớn. Nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu hy vọng, cuộc tập hợp CELAC-EU có thể giúp thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn với khu vực Mỹ Latin giàu tiềm năng.

Cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai khu vực có mối quan hệ từ sâu trong quá khứ đã phản ánh rõ sự thay đổi thế thời trong cục diện quan hệ quốc tế hiện đại. Hai bên đang bước vào kỷ nguyên hợp tác mới, thúc đẩy mối quan hệ dựa trên nền tảng giảm viện trợ vật chất và tăng hợp tác bình đẳng hơn trong nhiều lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục diện mới trong quan hệ quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.