Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp thỏm ngân sách EU

Quỳnh Chi| 31/01/2013 07:31

(HNM) - Ngân sách giai đoạn 2014-2020, vốn làm đau đầu các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) thời gian qua sẽ tiếp tục là đề tài nóng bao trùm chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 7 và 8-2 tới.


Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là, nếu Châu Âu không thông qua ngân sách trong đó chú trọng chính sách tăng trưởng năng động thì, dự báo bất bình đẳng trong xã hội hiện nay ở Châu Âu sẽ trở thành thảm họa. Cùng với yếu tố kinh tế suy giảm khiến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng lên mức cao chưa từng có tại Lục địa già, sự chênh lệch các nguồn thu tài chính giữa các nước thành viên yếu hơn và mạnh hơn trong EU sẽ càng tạo ra nguy cơ lớn về sự bất bình đẳng trong khu vực. Vì điều này, tại cuộc họp Liên minh các nghiệp đoàn Châu Âu cách đây ít ngày ở Tây Ban Nha, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Martin Schulz cũng đã kêu gọi thông qua ngân sách ủng hộ tăng trưởng nhằm đẩy lùi bất bình đẳng xã hội do tác động của khủng hoảng kinh tế. Để giảm thiểu những hậu quả xã hội do cuộc khủng hoảng gây ra, ông M.Schulz cho rằng, EU phải đề ra "ngân sách nhiều tham vọng". Trong đó, kết hợp cả yếu tố thắt chặt quy định tài chính với đầu tư thông minh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn bộ các lĩnh vực của châu lục.


Ngân sách 2014 - 2020 đang là chủ đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo EU.


Tuy nhiên, quan điểm của ông M.Schulz lại làm bùng nổ cuộc tranh cãi lớn nhất tại EU trong những ngày qua. Bởi ngay từ cuối năm 2012, một số quốc gia thành viên của EU đã đòi hỏi liên minh phải giảm bớt một phần không nhỏ trong ngân sách trị giá khoảng 1 nghìn tỷ euro. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế rằng các quốc gia đều không muốn gánh thêm trách nhiệm đóng góp trong bối cảnh mỗi thành viên EU đều đang phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Quốc gia đòi cắt giảm nhiều nhất là Anh, với mức trên 30 tỷ euro.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn cũng bùng phát về khoản tiền mà Anh được hưởng hằng năm. Từ trước tới nay, phần lớn ngân sách chung của EU được chi để hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, các nước có nền nông nghiệp phát triển như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia… được hưởng không ít mối lợi. Trong khi đó, Anh vốn là một quốc đảo công nghiệp phát triển lại là nước có nền nông nghiệp chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, nên lợi ích từ khoản chi "phát sinh" của liên minh được xem là không đáng kể với xứ Sương mù. Ngay từ năm 1984, nước Anh đã đòi được giảm mức đóng góp. Nhưng, thay vì đồng ý với Anh, EU chỉ chấp nhận để xứ sở Sương mù mỗi năm nhận 3,6 tỷ euro từ quỹ chung. Thế nhưng, vào lúc khó khăn về tài chính hiện nay, nhiều thành viên EU đã lên tiếng rằng số tiền London nhận hằng năm như thế là không hợp lý và cần phải bãi bỏ. Đây chỉ là một khoản trong nhiều khoản chi gây tranh cãi và chưa rõ hồi kết trong liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới.

Theo các nhà tài chính Cựu lục địa thì, thật khó có thể xoay chuyển lập trường của London trong Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tuần tới. Trong khi đó, theo thỏa thuận cuối cùng, EU chỉ có thể đưa ra mức cắt giảm 20 tỷ euro vì các nhà lập pháp của liên minh (EP) đã cảnh báo sẽ phủ quyết nếu mức cắt giảm quá lớn. Động thái này khiến các nước thành viên rất có thể phải tái khởi động tiến trình đàm phán ngân sách lại từ đầu. Trong bối cảnh như vậy, Hội đồng Châu Âu (EC) đã buộc phải tìm hiểu khía cạnh pháp lý để nhằm đạt được một thỏa thuận về ngân sách dài hạn cho EU mà không có sự tham gia của Anh. Bước đi "bần cùng bất đắc dĩ" này được dự kiến để tránh nguy cơ Thủ tướng David Cameron dùng quyền phủ quyết tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới ở Brussels (Bỉ) được cho là sẽ xuất hiện quyết định "phá băng" nhằm thoát khỏi thế bế tắc tài chính hiện nay của EU.

Rõ ràng, EU đang đứng trước một bài toán vô cùng khó khăn, nếu ngân sách không được thông qua, nguồn lực để ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ thiếu hụt. Nhưng, ngân sách được thông qua mà không có Anh thì, EU sẽ buộc phải chứng kiến một bước lùi lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển. Nếu vậy, nghịch lý về một EU hai tốc độ sẽ thành hiện thực và "ngôi nhà chung" Châu Âu lần đầu tiên phải chấp nhận một rạn nứt lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm ngân sách EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.