Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước phiêu lưu quân sự khó lường

Trung Hiếu| 03/02/2013 05:48

(HNM) -

Ngày 31-1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngăn chặn căng thẳng hoặc tình trạng leo thang xung đột trong khu vực. Trước đó, cùng thời gian này, Bộ Ngoại giao Syria đã chính thức đệ đơn kiện Israel lên LHQ với cáo buộc Israel đã oanh tạc một trung tâm nghiên cứu quân sự gần thủ đô Damascus.

Không lực Israel oanh tạc khu vực biên giới giữa Syria và Lebanon đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.


Theo giới chức an ninh khu vực ở Lebanon, đêm 29-1, Israel đã mở một cuộc không kích ồ ạt vào bên trong lãnh thổ Syria, gần biên giới với Lebanon. 12 máy bay chiến đấu của Israel đã xâm phạm không phận Lebanon, gần tỉnh Naquora ở miền Nam. Dù không nêu rõ mục tiêu bị tấn công nhưng nguồn tin cho biết, chính quyền Tel Aviv đã lên kế hoạch trong nhiều ngày để thực hiện không vụ này nhằm vào tuyến vận chuyển vũ khí cho phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon. Cùng thời gian này, truyền thông Israel cũng dẫn các nguồn tin an ninh tiết lộ, lực lượng nước này đã tấn công một mục tiêu ở Syria, dọc biên giới với Lebanon.

Trong khi đó, ngày 30-1, quân đội Syria lên tiếng cáo buộc Israel tấn công một trung tâm nghiên cứu quân sự tại Jamraya, gần thủ đô Damascus, khẳng định chiến đấu cơ của Israel đã "vi phạm không phận Syria và tấn công trực tiếp vào một trung tâm nghiên cứu khoa học có nhiệm vụ tăng khả năng kháng cự và tự vệ của Syria"; đồng thời bác bỏ thông tin rằng không lực Israel đã tấn công một xe chở vũ khí từ Syria ở gần biên giới với Lebanon. Sở dĩ có tin như vậy là do bấy lâu nay, Israel luôn lo ngại Damascus đang sở hữu vũ khí hóa học và nó có thể rơi vào tay cánh Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon, hoặc các nhóm Hồi giáo vũ trang khác ở khắp Trung Đông. Phong trào Hồi giáo Hezbollah cũng đã lên tiếng, cáo buộc vụ không kích đêm 29-1 vừa qua là hành động khiêu khích của Israel, cho rằng vụ tấn công thể hiện chính sách của Tel Aviv nhằm "ngăn chặn các lực lượng Hồi giáo và Arab phát triển khả năng quân sự và kỹ thuật"...

Ngay lập tức, vụ việc đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng quốc tế. Ngày 31-1, phản ứng trước vụ không kích của Israel, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng, nếu được xác nhận, vụ tấn công này đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, là động thái "không thể chấp nhận" dù dưới bất cứ lý do nào. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi đã lên án cuộc không kích của Israel vào Syria và nhấn mạnh hành động của Israel đã vi phạm lãnh thổ của một quốc gia Arab có chủ quyền. Ông Nabil al-Arabi khẳng định, Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả của trận không kích và thế giới sẽ công nhận "quyền" của Syria trong việc bảo vệ lãnh thổ đất nước...

Trong bối cảnh hiện nay khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria ngày một lún sâu vào bế tắc và chế độ Tổng thống Bashar Al-Assad đang hút sự "quan tâm" đặc biệt của phương Tây, thì hành động vừa qua của Tel Aviv cũng đã thu hút sự theo dõi rất đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế. Hơn nữa, tại Trung Đông, Israel lại là đồng minh chiến lược của Mỹ thì việc Tel Aviv tiến hành vụ không kích khiến sự lo ngại của cộng đồng quốc tế là có cơ sở. Trước đó, Nhà nước Do Thái đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ vũ khí hóa học của Syria; và, chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn "Vòm sắt" ở biên giới phía Bắc, gần cảng Haifa và thành phố Safed để đối phó với các cuộc tấn công có thể trong tương lai. Do đó hành động đơn phương vừa qua của Tel Aviv được dư luận khu vực xem là một cuộc tấn công có chủ đích.

Hiện tại, Trung Đông đang rơi vào căng thẳng, do đó chỉ một động thái nhỏ từ bất kỳ phía nào cũng có thể dẫn tới chiến tranh. Đó là điều cộng đồng quốc tế không mong muốn vì nó sẽ tác động đến không chỉ cuộc sống của người dân các quốc gia Trung Đông mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực vốn đang lâm vào bất ổn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước phiêu lưu quân sự khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.