Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng thống Mỹ B.Obama đọc Thông điệp liên bang: Tham vọng và thách thức

Thùy Dương| 15/02/2013 07:25

(HNM) - Cho dù bước vào nhiệm kỳ 2 đầy thách thức nhưng, Thông điệp liên bang của Tổng thống Barack Obama vừa đọc trước Quốc hội Mỹ (ngày 12-2) vẫn hàm chứa nhiều tham vọng cả về đối nội lẫn đối ngoại của xứ Cờ hoa.

Phục hồi kinh tế luôn là ưu tiên số một trong chính sách đối nội của Tổng thống Mỹ B.Obama.


Ba tháng kể từ khi chiến thắng thuyết phục tại cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 45, Tổng thống B.Obama bắt đầu quay trở lại vấn đề kinh tế vốn là trở ngại thường trực trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Thông điệp liên bang năm nay của người đứng đầu Nhà Trắng dành ưu tiên lớn nhất cho việc củng cố đà phục hồi kinh tế để tạo thêm việc làm. Người đứng đầu nước Mỹ đề cập tới một loạt chương trình tạo việc làm và đề xuất chi tiêu ngân sách trong các lĩnh vực: giáo dục, chế tạo và cơ sở hạ tầng.

Tiếp đến là tăng đầu tư công; cải cách chế độ nhập cư; tăng cường kiểm soát kinh doanh và sở hữu súng đạn; tăng đầu tư cho các dự án năng lượng sạch và tăng tiền lương tối thiểu hiện nay lên mức 9 USD/giờ để giúp đưa 15 triệu người Mỹ ra khỏi diện nghèo khó. Tổng thống B.Obama cam kết sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ bước vào các cuộc đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do với đối tác lớn nhất là Liên minh Châu Âu (EU), bởi điều đó sẽ mang lại hàng triệu việc làm thu nhập cao cho người dân Mỹ. Kế hoạch kinh tế chi tiết của B.Obama có một điểm tương tự như ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử năm ngoái: tạo ra một triệu việc làm khối sản xuất chế tạo trong nhiệm kỳ hai.

Về đối ngoại, Tổng thống B.Obama tuyên bố sẽ cùng các đồng minh có hành động cứng rắn trước các hành vi khiêu khích của Triều Tiên sau khi quốc gia này tiến hành thử hạt nhân lần ba.

Với bức thông điệp đầu năm, Tổng thống B.Obama đã đặt mình trước những thách thức lớn hiện nay của nước Mỹ như: thay đổi luật sở hữu súng, sửa đổi luật nhập cư và xử lý nợ quốc gia. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh bên ngoài nước Mỹ như: cuộc chiến chống khủng bố, sự trỗi dậy của Trung Quốc, tiến trình hòa bình ở Trung Đông, vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran và an ninh trên bán đảo Triều Tiên… sẽ là những chủ đề khiến "cỗ máy" của Tổng thống B.Obama - muốn giữ vị trí số 1 của thế giới - phải làm việc hết mình trong 4 năm tới. Thế nhưng, mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết sẽ là thách thức trước tiên và gần nhất với người đứng đầu Nhà Trắng khi muốn biến Thông điệp liên bang thành hiện thực.

2013 là năm được dự báo tranh cãi nội bộ thậm chí có chiều hướng quyết liệt hơn khi phe Cộng hòa muốn "đòi lại" những gì họ phải nhượng bộ vào phút chót để tránh "vách đá tài chính". Mâu thuẫn đảng phái không chỉ thể hiện khi phe Cộng hòa phản đối quyết liệt một số đề cử nhân sự nội các nhiệm kỳ hai của Tổng thống B.Obama mà còn lộ rõ hơn trong các vấn đề tăng trần nợ, kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống phúc lợi xã hội và nhập cư... Hàng loạt đề xuất và sáng kiến của Tổng thống B.Obama nhằm phục hồi kinh tế để tạo thêm nhiều việc làm, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao (7,9% trong tháng 1-2013) từng không ít lần bị phe Cộng hòa phản đối.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, ứng cử viên tổng thống tiềm năng năm 2016 được đảng Cộng hòa chọn làm Người phát ngôn, cho rằng giải pháp tăng thuế và giảm thâm hụt chi tiêu như Thông điệp liên bang đề cập sẽ gây tổn thương các gia đình trung lưu mà ông gọi là "những người hàng xóm". Ông này đã không ngần ngại mô tả Tổng thống B.Obama là căn nguyên gây ra những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đương đầu; trong đó có chính sách vay nhiều để chi nhiều, chất gánh nặng nợ nần lên vai các thế hệ tương lai của nước Mỹ.

Tất cả những gì đang diễn ra tại Washington cho thấy chính trường xứ Cờ hoa trong 4 năm tới tiếp tục hứa hẹn những cuộc đối đầu gay gắt giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. "Cuộc nội chiến chính trị" ở Mỹ được dự báo sẽ trở nên sâu sắc hơn, bất chấp việc Tổng thống B.Obama là người có xu hướng tìm kiếm thỏa hiệp. Như vậy, hợp tác nhằm tìm kiếm sự đồng thuận và giải pháp chung tại lưỡng viện để giải quyết những thách thức của nước Mỹ cả về đối nội lẫn đối ngoại thật sự là bài toán nan giải sẽ theo đuổi vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong suốt những ngày tại nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Mỹ B.Obama đọc Thông điệp liên bang: Tham vọng và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.