Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗ hổng niềm tin

Vân Khanh| 18/02/2013 06:48

(HNM) - Có những chuyện tưởng không thể xảy ra nhưng lại là sự thật. Vụ tai tiếng

Thịt ngựa gắn mác thịt bò gây chấn động Châu Âu.


Sự việc bị vỡ lở bắt đầu từ nước Anh khi một số mẫu thực phẩm đông lạnh được gắn mác thịt bò bị phát hiện có chứa thịt ngựa. Ngay lập tức, vấn đề được "quốc tế hóa", thịt ngựa cũng được tìm thấy trong một số mẫu thực phẩm có tên gọi thịt bò tại Pháp, Thụy Điển và làm dậy sóng dư luận. Bộ trưởng Môi trường Anh Owen Paterson gọi đây là sự cố không thể chấp nhận, trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã yêu cầu tiến hành điều tra và trừng phạt thích đáng những kẻ đã đứng sau vụ gian lận trắng trợn này. Nhà chức trách Châu Âu đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại Brussels, Bỉ để tìm giải pháp ngăn chặn sự lây lan của những cơn giận dữ cũng như tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề. Như thể hiện quyết tâm đưa ra ánh sáng mọi khuất tất, Cơ quan cảnh sát Châu Âu đã bắt đầu vào cuộc để làm rõ trắng đen với sự chấp thuận của các bộ trưởng EU.

Các quan chức Châu Âu cho rằng, vấn đề của vụ "treo đầu dê bán thịt chó" không phải là an toàn thực phẩm mà là thương hiệu hàng hóa. Nhưng có lẽ đến giờ, nhận định này không hoàn toàn chính xác. Người tiêu dùng đang lo lắng tột cùng khi những thông báo mới nhất cho biết đã tìm thấy trong một số mẫu thịt ngựa được bày bán chất phenylbutazone, một loại thuốc thú y mà trong một số trường hợp có thể gây ra rối loạn tuần hoàn máu nghiêm trọng ở người. Như vậy là, một số cảnh báo sức khỏe từng được đưa ra là có cơ sở. Bên cạnh việc thịt ngựa là loại thực phẩm cấm kỵ tại Anh, Ireland hay Pháp thì nhiều ý kiến cho rằng cần lưu tâm tới chuyện trong loại thịt này có chứa thuốc kháng sinh, kháng viêm được dùng để hỗ trợ nuôi ngựa song bị cấm sử dụng trên các loại động vật nuôi để lấy thịt cho con người.

Cho đến nay chưa ai phải nhập viện hay gặp vấn đề về sức khỏe vì ăn phải thịt ngựa. Tuy nhiên, sự tổn thất chưa thể đong đếm qua sự vụ chính là nó đã để lại những dấu hỏi về độ tin cậy của hàng hóa Châu Âu. Rõ ràng là, người tiêu dùng khó có thể phân biệt giữa thịt ngựa và thịt bò, nhưng không thể có chuyện những người "chủ mưu" lại có thể "thịt nhầm". Vì thế, điều khiến dư luận bất bình nhất là họ đã bị lừa dối một cách có chủ đích. Trong khi đó, cuộc truy tìm thủ phạm cũng khiến quan hệ giữa các quốc gia Châu Âu trở nên phức tạp hơn. Pháp một mực khẳng định các lò mổ tại Romania cùng các công ty kinh doanh tại Hà Lan, đảo Cyprus đã tham gia vào kịch bản phù phép để thịt ngựa thành thịt bò. Nhưng, Romania đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc là đầu mối của hành trình gian trá.

Vụ bê bối thịt ngựa đang làm đau đầu các quan chức Châu Âu khi nó diễn ra vào thời điểm Lục địa già đang vô cùng mong manh trước những cơn sóng nợ dữ dội và dường như không đủ sức để gánh thêm một cuộc khủng hoảng nào nữa. Mặc dù trò "đánh lận con đen" chưa dẫn đến những lệnh cấm xuất khẩu hay nhập khẩu thịt, nhưng chắc chắn đã gây tổn hại nghiêm trọng đến thương hiệu thực phẩm Châu Âu, lĩnh vực mang đến nhiều triệu euro xuất khẩu của nhiều quốc gia thành viên EU. Đồng thời, nếu sự cấu kết để đánh lừa người tiêu dùng này được xác nhận, sẽ là một hồi chuông báo động về đạo đức kinh doanh được gióng lên tại lục địa văn minh và thịnh vượng hàng đầu hành tinh. Và câu hỏi được quan tâm nhất giờ đây là, liệu đây có phải là sự dối trá cuối cùng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ hổng niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.