Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp: Bi kịch thắt lưng buộc bụng chưa dừng

Quỳnh Chi| 23/02/2013 06:57

(HNM) - Rất nhiều hoạt động trên đất nước Hy Lạp đã bị đình trệ trong suốt 48 giờ qua vì cuộc tổng đình công đầu tiên trong năm 2013 của các nghiệp đoàn phản đối chính sách


Cuộc tổng đình công, theo lời kêu gọi của các nghiệp đoàn lần này tại đất nước của các vị Thần, thú hút đông đảo các thành phần trong nhiều lĩnh vực của nhà nước cũng như tư nhân tham gia. Từ nhân viên đài truyền thanh, truyền hình đến giới bác sĩ, luật sư, giáo viên và người lao động làm trong các ngành thương mại... Hy Lạp đã đồng loạt xuống đường để biểu thị cơn tức giận khi chi tiêu của họ ngày càng bị thu hẹp theo sự cắt giảm của chính phủ. Không ít người tham gia biểu tình và bãi công tin rằng hành động phản kháng của họ sẽ lay chuyển được lập trường của chính phủ đối với lộ trình của gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" lên tới 13,5 tỷ euro cho giai đoạn 2013-2014. Đây là một trong những điều kiện để Athens nhận được cứu trợ từ "bộ ba" gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngoài ra, Hy Lạp cũng phải thúc đẩy kế hoạch gồm 89 danh mục cải cách cơ cấu trong khu vực nhà nước, thị trường lao động và hệ thống thuế cũng như những hành động ưu tiên khác nhằm tránh rơi vào miệng vực phá sản.


Biểu tình tại Hy Lạp đã đồng loạt nổ ra trên khắp đất nước phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ.


Với một Chính phủ Hy Lạp đang bị dồn ép và phải làm mọi việc để tránh nguy cơ sụp đổ nền kinh tế đất nước, việc áp dụng thêm những biện pháp thắt chặt chi tiêu là một việc làm bất đắc dĩ. Tuy nhiên, những chính sách khắc khổ đã liên tiếp dội khó khăn xuống đầu người dân, khiến cuộc sống ở Hy Lạp giờ đây trở nên khó khăn ghê gớm.

Nhiều người đã từ bỏ cuộc sống đô thị để tìm về các vùng quê để bắt đầu cuộc sống mới theo kiểu tự cung, tự cấp. Và, không mấy người dân Hy Lạp có thể nhớ được chính phủ của họ đã tung ra bao nhiêu chính sách "thắt lưng buộc bụng" kể từ ngày cuộc khủng hoảng nợ bùng phát ở đất nước này năm 2010. Nhưng rất nhiều người có thể nhớ chính xác là cuộc sống của họ đã xuống cấp đến mức nào sau chừng đó quyết sách của chính phủ. Hiện tại, mức lương tối thiểu của Hy Lạp chỉ bằng hơn 1/3 lương tối thiểu ở Pháp (1.400 euro - chưa thuế) mà mức sống ở Athens hiện tại, thậm chí còn đắt đỏ hơn Paris (Pháp). Hai năm trước, một giáo viên cấp 2, tầng lớp có thu nhập trung bình ở Hy Lạp, có thể nhận lương 1.200 euro/tháng. Giờ, mức trung bình chỉ là 660 euro/tháng và hợp đồng sẽ lập tức chấm dứt sau khi kết thúc năm học. Trong 3 tháng hè, nhiều giáo viên trở thành kẻ thất nghiệp và nếu may mắn lắm thì họ có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp ở mức 356 euro/tháng. Những câu chuyện đời khốn khổ giờ đây tràn ngập trên báo chí Hy Lạp khi số người phải đối mặt với cảnh bần cùng đã chiếm tới 1/5 dân số với mức thu nhập dưới 17.500 USD/năm. Và gánh chịu nhiều nhất lại là giới trẻ với tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 18-25 lên tới 61,7% - mức cao nhất trong EU. Con số này vẫn tiếp tục tăng trong khi lương tối thiểu cho giới này còn bị cắt giảm mạnh nhất, đến 32%. Hiện những người không có việc làm ở Hy Lạp đang phải chật vật lo cho cuộc sống hằng ngày của họ với số tiền ít ỏi. Nhiều người dân đã nghĩ đến việc ra nước ngoài để kiếm sống.

Từng được ghi nhận là quốc gia khai sáng cho thế giới rất nhiều những nguyên tắc cơ bản của một xã hội văn minh nhưng nay, với một nền kinh tế trong tình trạng vô cùng ọp ẹp, Hy Lạp đang trở thành mối lo lớn trong lòng Châu Âu. Sau gần 4 năm khủng hoảng nợ buộc phải cắt giảm chi tiêu, sức mua của người Hy Lạp đã sụt đến 45%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6,5% trong năm 2012. Theo dự báo của chính phủ, chỉ số này sẽ là -4,5% hoặc có thể thấp hơn nữa trong năm 2013. Như vậy, Hy Lạp đang bước vào năm thứ 6 suy thoái liên tiếp. Cuộc sống trở nên nặng nề, u ám khi đời sống sụt giảm thậm tệ và không có niềm vui, sự lạc quan vào tương lai của nền kinh tế. Thậm chí, nhiều tổ chức phi chính phủ tại Athens giờ đây đã bắt đầu bóng gió về nguy cơ thảm họa nhân đạo ở xứ sở các vị Thần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp: Bi kịch thắt lưng buộc bụng chưa dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.