Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 năm sau cuộc chiến Iraq: Một thập kỷ đau đớn

Trung Hiếu| 20/03/2013 07:08

(HNM) - Hôm nay (20-3), tròn 10 năm, ngày nước Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein (20-3-2003) với lý do


Theo đó, hơn 6.000 tỷ USD đã được chi cho cuộc chiến; gần 4.500 binh sỹ Mỹ và khoảng 130 nghìn thường dân Iraq thiệt mạng... Chỉ như vậy cũng đã khiến không ít người ngỡ ngàng; thế nhưng, thực tế Iraq ngày nay còn khiến dư luận ngạc nhiên hơn. Đó là bức tranh toàn cảnh đau đớn tại quốc gia Trung Cận Đông này. Một thập kỷ đã qua, dù ngốn nhiều tiền của lẫn sức lực, dù được phương Tây nhào nặn, viễn cảnh của Iraq vẫn chỉ "hứa hẹn" một gam màu xám.

Bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên tại Iraq kể từ khi Mỹ rút quân khỏi nước này cuối tháng 12-2011.



10 năm sau cuộc chiến, hòa bình, ổn định và một nền dân chủ ở Iraq - theo giá trị Âu-Mỹ - vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Xứ sở của "Nghìn lẻ một đêm" vẫn chìm trong xung đột và bạo lực. Lo ngại của cộng đồng quốc tế ngay từ khi bùng nổ cuộc chiến về bóng đen bạo lực, xung đột thời hậu chiến là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, ngay trong quá trình Mỹ cùng liên quân mở chiến dịch "giải phóng" lật đổ chế độ Saddam Hussein và rút đi (ngày 19-12-2011) đã thúc tham vọng bè phái từ lâu muốn chia cắt quốc gia Trung Cận Đông này thành nhiều khu vực riêng rẽ như: người Kurd ở các tỉnh miền Bắc nhiều dầu, người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Sunni ở các tỉnh miền Trung và phần còn lại - cũng nhiều dầu khí - ở miền Nam dành cho người Hồi giáo dòng Shiite. Trong khi đó, khối chính trị của người Sunni (Iraqiya) đã tuyên bố tẩy chay Quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng đương nhiệm Nuri Al-Maliki chậm trễ giải quyết những bế tắc chính trị khi hướng tới thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa các cộng đồng Sunni, Shiite và Kurd. Mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ của một nước Iraq mới đã và đang diễn ra ngày một sâu sắc.

Trong những tháng cuối năm 2012 và đầu 2013, các cuộc biểu tình của người Sunni bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước đòi Chính phủ của Thủ tướng Nuri Al-Maliki phải ra đi. Một số bộ trưởng trong chính phủ đã từ chức để phản đối việc lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình. Trong khi đó, nhiều thành viên trong chính phủ chia sẻ quyền lực cũng liên tục đòi Thủ tướng Nuri Al-Maliki từ chức với cáo buộc người đứng đầu nội các thao túng quyền lực...

Chiến tranh đã khép lại trên xứ Cổ tích Arab nhưng tại nhiều địa phương, nhất là thủ đô Baghdad, vẫn xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu trong sự bất lực của giới chức an ninh. Vào cao điểm của cơn cuồng phong bạo lực năm 2006-2007, mỗi tháng có tới gần 3.000 người dân Iraq thiệt mạng trong các vụ đánh bom liều chết. Theo số liệu do IBC - Tổ chức phi chính phủ (NGO) thống kê số người thiệt mạng ở Iraq - công bố ngày 17-3, có ít nhất 112 nghìn dân thường bị thiệt mạng trong 10 năm qua. Con số này có thể lên tới 174 nghìn người nếu tính gộp cả binh sỹ của các bên tham gia xung đột cũng như những trường hợp tử vong không được xác nhận. Riêng trong tháng 2 vừa qua, các vụ tấn công bạo lực đã khiến 220 người thiệt mạng. Sự bất ổn trong xã hội Iraq đã và đang khiến mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda lợi dụng làm rối loạn tình hình để cắm rễ sâu hơn và rộng hơn vào quốc gia này...

Trong khi đó, trên phương diện kinh tế, dù là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ thứ 3 thế giới, Iraq vẫn trong tình trạng kiệt quệ với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nạn tham nhũng ngày càng tồi tệ. Suốt 10 năm qua, thủ đô Baghdad hầu như không có tòa nhà nào được xây mới, thay vào đó các đồn bốt và trạm gác quân sự tiếp tục mọc lên. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia vùng Vịnh đã lên tới 15%, hơn 34% người dân sống dưới mức nghèo đói, 35% trẻ em mồ côi cha mẹ...

10 năm đã qua kể từ khi quân đội Mỹ phát động cuộc chiến nhằm "lật đổ một chế độ độc tài để xây dựng một Iraq mới, dân chủ" nhưng những gì đã và đang diễn ra đã khẳng định một sự thật trái ngược. Sự thật này còn phơi bày sự dối trá của cuộc chiến được Mỹ phát động nhằm vào vựa dầu Iraq. Xứ sở "Nghìn lẻ một đêm" đang chìm trong sự kiệt quệ về kinh tế, cuộc sống của người dân không ngừng bị đe dọa do các vụ đánh bom của các phần tử khủng bố, xung đột giáo phái… và một nền dân chủ vẫn ở đâu đó ngoài tầm với của người dân Iraq. Đến nay, cuộc lui binh của Washington được thực hiện đã kịp để lại ở Iraq một khoảng trống quyền lực khó lấp. Một thập kỷ sau cuộc chiến Iraq là thực tế sống động với các quốc gia trong cách xử lý các vấn đề quốc tế hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 năm sau cuộc chiến Iraq: Một thập kỷ đau đớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.