Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản thông qua ngân sách bổ sung 140 tỷ USD

Đình Hiệp| 31/03/2013 05:56

(HNM) - Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vừa thông qua ngân sách tạm thời trị giá 13.200 tỷ yen (khoảng 140,24 tỷ USD).



Đây là khoản ngân sách tạm thời lớn nhất từ trước đến nay - vượt kỷ lục ngân sách tạm thời trị giá 11.600 tỷ yen năm 1996 - được phê chuẩn vào thời điểm cuối cùng của hạn chót nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tránh khỏi những hệ lụy có thể xảy ra.

Khoản ngân sách tạm thời vừa được thông qua sẽ góp phần giúp Nhật Bản ổn định nền kinh tế.


Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản phải sử dụng giải pháp "tạm thời". Năm 2012, nội các của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền khi đó cũng phải thông qua khoản ngân sách tạm thời trị giá 3.610 tỷ yen để trang trải trong 6 ngày (từ ngày 1-4-2012) giữa lúc chính trường lâm vào bế tắc với một Quốc hội bị chia rẽ do DPJ không có đủ đa số tại Thượng viện. Đó cũng là khoản ngân sách tạm thời đầu tiên được đưa ra sau 14 năm. Sở dĩ việc thông qua ngân sách cho năm tài chính 2013 chậm trễ là vì chính phủ do đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe mới được thành lập ngày 26-12 năm ngoái - sau cuộc bầu cử Hạ viện ngày 16-12-2012 - khiến quá trình soạn thảo ngân sách bị chậm.

Ngân sách tạm thời 13.200 tỷ yen sẽ dùng để tài trợ cho các khoản chi tiêu của chính phủ trong 50 ngày tới khi dự thảo ngân sách cho tài khóa 2013 có thể chưa được thông qua trước tháng 5. Với số tiền này, Chính phủ Nhật Bản sẽ dùng 5.430 tỷ yen cho các khoản chi an sinh xã hội, 2.420 tỷ yen phân bổ cho các địa phương và 1.540 tỷ yen cho các dự án công… Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm sớm đưa nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc thoát khỏi tình trạng giảm phát, mục tiêu vốn đã được ông Abe ưu tiên ngay từ khi nhậm chức với các giải pháp gồm: thực hiện chính sách tiền tệ quyết liệt, chi tiêu tài chính linh hoạt và khuyến khích đầu tư ở khu vực tư nhân. Theo Thủ tướng Shinzo Abe, kiềm chế giảm phát của nền kinh tế và ngăn đà tăng giá đồng yen là yếu tố sống còn mà chính phủ cần làm trong bối cảnh nền kinh tế nước này chịu nhiều tác động của khủng hoảng nợ Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cũng như khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

Nhằm kích thích nền kinh tế phát triển thông qua kích cầu tiêu dùng của người dân, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) trong cuộc họp mới đây cũng đã quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ để duy trì lạm phát ở mức 2%/năm. Các số liệu thống kê mới đây của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý IV năm 2012 đã tăng 0,2%, dấu hiệu chứng tỏ giai đoạn suy thoái vừa qua đã kết thúc. Mặc dù vậy, BOJ vẫn quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức rất thấp 0-0,1% - so với các nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt ở mức 6% và 2,7%. BOJ cũng quyết định không thay đổi kế hoạch mở rộng quy mô chương trình thu mua tài sản lên 101.000 tỷ yen đến cuối năm nay để kích thích nền kinh tế phát triển khi đồng yen mất giá nhiều so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Các cuộc điều tra dư luận mới đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn ở mức cao (71,1%) - lần thứ hai tỷ lệ ủng hộ ở mức trên 70% kể từ khi LDP trở lại nắm quyền tháng 12 năm ngoái. Các chuyên gia phân tích cho rằng, khoản ngân sách tạm thời vừa được thông qua không chỉ là "phao cứu sinh" cho nền kinh tế Nhật Bản, mà còn giúp liên minh cầm quyền gồm LDP và đảng Công minh Mới (NKP) có thể giành thắng lợi cuộc bầu cử Thượng viện - cuộc bầu cử hết sức quan trọng - tới đây khi liên minh cầm quyền muốn giành đa số ghế. Nhận định này càng có cơ sở khi 44,1% số người vừa được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản thông qua ngân sách bổ sung 140 tỷ USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.