Theo dõi Báo Hànộimới trên

Iran - Đối mặt nhiều sức ép trước bầu cử

Trung Hiếu| 17/05/2013 07:28

(HNM) - Iran đã có bước khởi động cho cuộc bầu cử Tổng thống thứ 11, dự kiến vào ngày 14-6 tới.


Theo Bộ Nội vụ Iran, tính đến ngày 11-5, sau 5 ngày đăng ký tham gia tranh cử, quốc gia Hồi giáo này đã có tổng cộng 686 cá nhân nộp hồ sơ ứng cử. Trong số các ứng cử viên "nặng ký" có cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili, cựu Chỉ huy trưởng Cảnh sát quốc gia và hiện là Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf, Thư ký Hội đồng điều phối Mohsen Rezaei, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Reza Rahimi, cựu Phó Tổng thống Mohammad - Reza Aref, Phó Chủ tịch Quốc hội Mohammad - Hassan Aboutorabi - Fard, em trai đương kim tổng thống Davoud Ahmadinejad. Ngoài ra, còn có 2 ứng cử viên nổi bật khác là ông Ali Akbar Velayati, Ngoại trưởng trong giai đoạn 1981-1997, hiện là cố vấn đối ngoại của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và ông Esfandiar Rahim Mashaie, trợ tá thân cận của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.



Trong số danh sách tranh cử, giới quan sát tập trung sự chú ý vào cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, ông Esfandyar Rahim Mashaei, đồng minh gần gũi của Tổng thống M.Ahmadinejad - nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran Saeed Jalili. Ông H.Rafsanjani là niềm hy vọng của phái cải cách tại Iran. Chiến thắng của ông có thể mở ra con đường mới, làm xoa dịu căng thẳng với thế giới bên ngoài. Còn ông R.Mashaei có thể tiếp tục những chính sách hiện nay của Tổng thống M.Ahmadinejad. Bởi trong nhiều năm qua, ông M.Ahmadinejad đã chuẩn bị cho R.Mashaei lên nắm quyền và hai người có cùng khuynh hướng về chủ nghĩa dân tộc và cùng coi thường giới tăng lữ. Trong khi đó, ông S.Jalili, một cựu chiến binh từ thời chiến tranh với Iraq những năm 1980, là nhà đàm phán hàng đầu của Iran với các cường quốc về chương trình hạt nhân của nước này. Thế nhưng, Hội đồng Bảo vệ Cách mạng, do Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei nắm quyền, mới là nơi xem xét ứng viên nào đủ tiêu chuẩn và quyết xem ai được phép tranh cử Tổng thống. Hội đồng sẽ xem xét kỹ lưỡng từng ứng cử viên và chốt danh sách cuối cùng. Những ứng cử viên bị xóa tên sẽ có 5 ngày để khiếu nại. Danh sách ứng cử viên sẽ được công bố trước ngày 23-5 và các ứng viên được thông qua sẽ có 3 tuần để mở chiến dịch vận động tranh cử đến ngày 12-6, hai ngày trước khi bắt đầu cuộc bầu cử chính thức. Theo Hiến pháp Iran, tổng thống có nhiệm kỳ 4 năm và không được tại vị quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Như vậy, Tổng thống đương nhiệm M.Ahmadinejad không được ra tranh cử do đã có 8 năm liền làm tổng thống. Tuy nhiên, không giống như tổng thống ở một số nước, Tổng thống Iran không có toàn quyền đối với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang hay chính sách hạt nhân.

Hiện tại, cuộc đua trên chính trường quốc gia Hồi giáo này đã chính thức khởi động. Tuy nhiên, dư luận lo ngại rằng, trong bối cảnh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran gây mâu thuẫn lớn giữa Tehran với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cuộc bầu cử lại khiến người ta lo ngại. Cách đây không lâu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast tuyên bố, phương Tây đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Iran bằng cách gia tăng sức ép với quốc gia Hồi giáo. Ngày 9-5, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngân hàng Iran - Venezuela (IVB) vì cho rằng ngân hàng đã giúp các thể chế của Iran né tránh các lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt trước đó. IVB được thành lập cách đây 4 năm trên cơ sở liên doanh Iran - Venezuela với trụ sở ở thủ đô Tehran của Iran. Trong khi đó, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, lệnh cấm vận đang gây sức ép lớn lên nền kinh tế Iran và đời sống người dân nước này. Đồng rial sụt giá thảm hại và dân chúng đang tích trữ đồng USD...

Do vậy, trước thềm cuộc bỏ phiếu ở Iran, điều mà dư luận trông đợi nhất vẫn là sự hạ nhiệt liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nước này. Thế nhưng, người ta vẫn chưa thấy hy vọng nào giúp cải thiện được tình hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Iran - Đối mặt nhiều sức ép trước bầu cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.