Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử tổng thống Iran: Khó có thay đổi lớn

Trung Hiếu| 12/06/2013 06:52

(HNM) - Nếu không có gì thay đổi, 48 giờ tới, cử tri Iran sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu quan trọng bầu tổng thống mới thay ông Mahmoud Ahmadinejad, người đã giữ liên tiếp hai nhiệm kỳ tổng thống.


Cuộc bầu cử tổng thống của đất nước 70 triệu dân diễn ra trong bối cảnh Iran đang đối mặt những thách thức kinh tế do lệnh cấm vận của phương Tây và áp lực quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này. Thế nên, kết quả cuộc bầu cử vào ngày 14-6 tới có quyết định tương lai của quốc gia Hồi giáo hay không là câu hỏi không dễ có lời đáp.

Người dân Iran kỳ vọng sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn.



Theo hiến pháp Iran, tất cả người dân đều có thể ra ứng cử tổng thống nhưng quyền quyết định chọn ai lại thuộc Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát bầu cử tối cao với đa số thành viên tuyệt đối trung thành với Đại Giáo chủ Ali Khamenei. Do đó, không ngạc nhiên khi trong tổng số 686 người đăng ký tranh cử Tổng thống Iran nhiệm kỳ tới, chỉ có 8 ứng cử viên được chấp thuận gồm: Saeed Jalili - Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Thị trưởng thành phố Tehran Mohammad Bager Qalibaf, cựu Ngoại trưởng Ali-Akbar Velayati, nghị sỹ Gholam-Ali Haddad-Adel, cựu chỉ huy quân đội Mohsen Rezaei, cựu Bộ trưởng Dầu mỏ - Viễn thông Mohammad Gharazi, cựu Phó Tổng thống Mohammad-Reza Aref và ông Hassan Rouhani - từng là nhà đàm phán hạt nhân của Iran. 5/8 ứng cử viên này đều đi theo con đường bảo thủ. Trong một động thái mới, ngày 10-6, cựu Chủ tịch Quốc hội Iran theo đường lối bảo thủ, Gholam-Ali Haddad-Adel đã bất ngờ rút khỏi "đường đua". Trước đó, Bộ Nội vụ Iran cũng cho biết hai ứng cử viên tiềm năng là Efandiar Rahim Mashaie, Trợ lý của Tổng thống M.Ahmadinejad và cựu Tổng thống có quan điểm ôn hòa Hashemi Rafsanjani không được tham gia tranh cử, song không nêu lý do cụ thể.

Sự kiện H.Rafsanjani, người sáng lập ra nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, là ứng cử viên sáng giá không được tham gia tranh cử đã gây nhiều bất ngờ. Là người có tư tưởng thỏa hiệp, H.Rafsanjani từng đưa Iran thoát khỏi thế cô lập trong những năm 90 của thế kỷ trước sau cuộc chiến tranh Iran - Iraq và là người giúp nước này bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng lại nằm ở Hội đồng Giám hộ. Sự kiện này cho thấy sự chưa sẵn sàng của chính quyền quốc gia Hồi giáo để hội nhập sâu rộng hơn với thế giới bên ngoài. Vì thế, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng bức tranh chính trị ở Iran sẽ không có thay đổi gì lớn sau cuộc bầu cử.

Khó khăn lớn nhất hiện nay với Iran là kinh tế. Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng đầu tiên của năm, theo lịch Iran (từ ngày 21-3 đến 20-4) lên tới 29,8%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 14%. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong một bước đi nhằm siết chặt hơn nữa lệnh bao vây phong tỏa, ngày 4-6, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liệt kê gần 40 công ty của Iran vào "danh sách đen" vì bị tình nghi giấu giếm tài sản và là nguồn cung cấp hàng tỷ USD cho Chính phủ Iran. Đây là lần thứ tư liên tiếp trong chỉ một tuần qua Nhà Trắng áp đặt lệnh trừng phạt Iran nhằm gia tăng sức ép lên chương trình hạt nhân của nước này. Trước đó, chính quyền của Tổng thống B.Obama cũng áp đặt lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp hóa dầu, công nghiệp ô tô và hơn 50 quan chức Iran. Còn tại Vienna (Áo), kết thúc cuộc họp kín của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ngày 5-6, Nhóm P5+1 gồm Anh, Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Đức đã kêu gọi Iran ngừng các hoạt động hạt nhân trái với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc...

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, tân tổng thống được bầu của Iran sẽ khó có thể xoay chuyển được tình hình. Theo Hiến pháp Iran, tổng thống có các thẩm quyền hành pháp như ký kết các hiệp ước, hiệp định với các nước khác và các tổ chức quốc tế, các vấn đề về tổ chức nhà nước, ngân sách nhà nước... nhưng không có toàn quyền với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang hay chính sách hạt nhân. Công việc này do Lãnh đạo Tối cao nắm giữ. Với 5/8 ứng cử viên đi theo con đường bảo thủ hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu bầu cử khu vực dự báo, cử tri Iran khó có nhiều thay đổi cho một tương lai cởi mở hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử tổng thống Iran: Khó có thay đổi lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.