Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu: Chới với trong cơn đại hồng thủy

Quỳnh Chi| 14/06/2013 06:58

(HNM) - Giữa lúc đang phải vùng vẫy để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 3 năm qua, Cựu lục địa lại phải vật lộn với cơn đại hồng thủy đe dọa tính mạng của hàng vạn người dân ở các quốc gia Trung Âu và gây thiệt hại ước tính hàng tỷ euro.



Những cơn mưa lớn dồn dập từ cuối tháng 5 khiến mực nước sông các sông chính của Châu Âu như Danube, Elbe dâng cao liên tục. Lần lượt từ Séc, Slovakia đến Đức, Áo, Thụy Sĩ và Ba Lan… đã bị "giặc nước" tấn công tàn phá trong trận lụt được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ qua. Tại một số khu vực, mưa lớn đến mức lượng mưa trong vài ngày bằng tổng lượng mưa đo được trong 2 tháng. Đến thời điểm hiện tại, đã có 21 người thiệt mạng trên khắp Trung Âu. Nhiều tuyến tàu điện ngầm, các điểm du lịch, nhà thờ phải đóng cửa, mạng lưới giao thông bị đình trệ. Để không gây hoang mang trong dư luận, các nhà chức trách đều tránh công khai mức độ thiệt hại thực sự trong thời điểm công tác cứu trợ đang được đặt lên hàng đầu này, nhưng một số thông tin sơ bộ đã được đưa ra.

Quốc gia gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất hiện nay là Séc khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở hơn nửa đất nước. Quân đội đã phải dựng các rào thép theo con đường bên bờ sông Vltava để ngăn không cho nước tràn vào thành phố. Đây là loại hàng rào di động được chế tạo để ngăn nước từ sau trận lụt lịch sử năm 2002. Trong khi đó, lực lượng tình nguyện viên đã chất các bao cát để ngăn không cho nước sông đang dâng cao tràn vào trung tâm thủ đô Praha. Dù đã phản ứng khá nhanh nhờ những kinh nghiệm được rút ra từ cơn đại hồng thủy cách đây 11 năm, song mức độ tổn thất lần này ở đất nước được coi là "trái tim của Châu Âu" vẫn rất nghiêm trọng.

Tại Đức hoạt động giao thông vận tải bằng tàu thủy trên sông Danube và sông Rhine đã ngưng trệ do nước dâng cao.

Hai con sông này là những tuyến huyết mạch vận chuyển ngũ cốc, than và hàng hóa của khu vực. Nhà máy sản xuất ô tô Volkswagen phải đóng cửa do công nhân không thể đến làm việc vì mưa lớn. Cổ phiếu của các hãng bảo hiểm ở Munich và Hanover đã giảm 2,5% do các hãng phải chi trả bảo hiểm lớn sau khi nước rút đi. Riêng tại Đức, thiệt hại ước tính có thể lên tới 4 tỷ euro.

Còn tại Hungary, phần lớn khu vực miền nam và bắc Budapest đã bị chìm trong nước. Con số thiệt hại do ngập lụt gây ra ở nước này lên tới 6 tỷ euro. Tuy nhiên, theo dự báo, nước sông Danube sẽ rút vào cuối tuần này và Budapest sẽ không phải chịu chung cảnh ngộ như Praha (Séc).

Năm 2002, Châu Âu đã phải hứng chịu trận lụt lịch sử làm 17 người chết và thiệt hại 26 tỷ USD. Một số chuyên gia khí hậu cho rằng hiện tượng thời tiết bất thường và lụt lội xuất hiện ngày càng nhiều ở Lục địa già là do biến đổi khí hậu. Điều này buộc các nhà lãnh đạo khu vực phải tính đến những giải pháp dài hạn nhằm đối phó với nạn hồng thủy có thể tấn công bất cứ lúc nào. Hiện tại giải pháp được các nhà khoa học cho là khả dĩ nhất, có thể giảm thiểu thiệt hại là làm theo mô hình đang được áp dụng tại Hungary: Dẫn nước sông vào những con suối hoặc hồ chứa, mở rộng những nhánh phụ của sông - để giảm mực nước một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, Châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới cần hợp tác nhanh chóng đẩy mạnh các biện pháp chống biến đổi khí hậu - một thách thức lớn của loài người trong thế kỷ XXI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu: Chới với trong cơn đại hồng thủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.