Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đông Nam Á trong chiến lược của Australia

Đình Hiệp| 13/07/2013 07:14

(HNM) - Hơn một tuần sau khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng trong nội các mới của tân Thủ tướng Australia Kevin Rudd, ông Bob Carr đã thực hiện chuyến công du đầu tiên tới hai quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Singapore và Myanmar.



Dù với tầm, mức quan hệ hợp tác khác nhau, nhưng Singapore và Myanmar vẫn là những điểm đến quan trọng trong chiến lược ngoại giao hướng tới Châu Á - nhất là với ASEAN - của Australia trong bối cảnh hiện nay.

Australia cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình cải cách mở cửa của Myanmar.


Là một trong những nền kinh tế đầu tàu, có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực ASEAN, việc Ngoại trưởng Bob Carr chọn Singapore làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài trên cương vị mới cũng là điều dễ hiểu. Tuy chỉ diễn ra một ngày nhưng cuộc gặp của Ngoại trưởng Bob Carr với người đồng cấp nước chủ nhà Singapore K. Shanmugam cho thấy, Australia không ngần ngại khẳng định sự can dự ngày một lớn đối với khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù là điểm dừng chân thứ hai nhưng Myanmar lại có ý nghĩa quan trọng trong chuyến công du của Ngoại trưởng Bob Carr. Trong chuyến công du tới Australia tháng 3 vừa qua của Tổng thống Myanmar U Thein Sein - nhà lãnh đạo Myanmar đầu tiên tới Australia kể từ năm 1974 - cựu Thủ tướng Julia Gillard nhận định rằng, Australia sẽ được hưởng lợi từ Myanmar đang mở cửa và thịnh vượng hơn cũng như hội nhập đầy đủ trong khu vực. Để cụ thể hóa những cam kết này, Australia sẽ tăng cường các cam kết mang tính xây dựng đối với Myanmar, cung cấp thêm khoản viện trợ trị giá gần 21 triệu USD trong hai năm để giúp quốc gia ASEAN này củng cố các thể chế, tăng cường quản lý kinh tế, thúc đẩy nhân quyền và luật pháp. Đây là giai đoạn đầu tiên của chương trình đối tác Myanmar - Australia về cải cách. Để tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Myanmar, Australia sẽ sớm cử một ủy viên thương mại tới Yangon - trung tâm thương mại của Myanmar.

Tiếp nối những thành công đó, các cuộc gặp của Ngoại trưởng Australia Bob Carr lần này với Tổng thống Thein Sein, Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi cùng đại diện giới doanh nhân không nằm ngoài nội dung đó. Trong đó làm thế nào để thúc đẩy cải tổ dân chủ, quan hệ kinh tế Australia-Myanmar, trợ giúp phát triển quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và vấn đề nhân quyền... là những trọng tâm ưu tiên của chuyến thăm. Trong số một loạt cam kết viện trợ phát triển mới của Australia dành cho Myanmar lần này, khoản cam kết tăng gấp đôi lên 103 triệu USD mỗi năm - vào năm 2015 - là khoản cam kết mới nhất mà Ngoại trưởng Bob Carr dành cho Myanmar.

Chuyến công du hai quốc gia ASEAN của Ngoại trưởng Bob Carr diễn ra chưa đầy 48 giờ sau khi tân Thủ tướng Kevin Rudd kết thúc tốt đẹp chuyến công du nước ngoài đầu tiên hai ngày tới Indonesia để khởi động lộ trình "Hướng tới 2025: Chiến lược đối với Indonesia". Đây là một phần trong sáng kiến "Australia trong kỷ nguyên Châu Á" mà tân Thủ tướng Kevin Rudd cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên trong nhiệm kỳ mới. Các số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều giữa Australia và Indonesia đạt khoảng 13,3 tỷ USD trong năm 2012, đưa quốc gia ASEAN này trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia. Hiện có khoảng 400 doanh nghiệp Australia đang hoạt động kinh doanh tại Indonesia trong các lĩnh vực khai mỏ, nông nghiệp, tài chính, y tế và giao thông vận tải. Với lợi thế là một cường quốc đang lên trong khu vực, một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và một nguồn lực lao động dồi dào, việc đẩy mạnh hợp tác với Indonesia không chỉ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp Australia mà còn giúp Canbera can dự sâu hơn vào một khu vực địa chiến lược quan trọng.

Không chỉ đẩy mạnh hợp tác với các nền kinh tế của ASEAN như Myanmar, Singapore hay Indonesia, Chính phủ của tân Thủ tướng Kevin Rudd vừa quyết định đầu tư 31,6 triệu USD trong 10 năm dành cho Trung tâm Quốc gia về năng lực Châu Á - dưới sự điều hành của Đại học Melbourne và Đại học New South Wales - nhằm tăng cường sự hiểu biết và đối thoại của Australia với khu vực. Các doanh nghiệp trong nước đánh giá trung tâm là sự đầu tư đáng kể và có tầm nhìn của chính phủ nhằm giúp giới doanh nghiệp thành công hơn tại các thị trường Châu Á; đồng thời đưa Australia vào quỹ đạo thế kỷ Châu Á. Điều quan trọng hơn, bước đi này cho thấy, với chính phủ của tân Thủ tướng Kevin Rudd, Châu Á - trong đó có ASEAN - vẫn sẽ là trọng tâm ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của nhiệm kỳ mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Á trong chiến lược của Australia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.