Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bulgaria: Nguy cơ bất ổn kéo dài

Phương Quỳnh| 13/07/2013 07:18

(HNM) - Cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Bulgaria cách đây hai tháng xem ra vẫn chưa dập tắt được những bất ổn xã hội bùng phát tại xứ Hoa hồng từ cuối năm 2012.

Khoảng 15.000 người tụ tập bên ngoài trụ sở chính phủ ở thủ đô Sofia, hô khẩu hiệu đòi Thủ tướng Oresharski từ chức. (ảnh: PressTv)



Gần một tháng qua, thủ đô Sofia liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và yêu cầu Thủ tướng Plamen Oresharski từ chức, mặc dù ông mới đảm đương vị trí này chưa đầy hai tháng. Khác với làn sóng biểu tình trước đây nhằm phản đối giá điện tăng khiến chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Boiko Borissov sụp đổ, các cuộc xuống đường lần này đã thành phong trào không hẳn vì cơm áo gạo tiền, mà mang một hơi hướng mới. Đa số thành phần xuống đường là những người trẻ và có trình độ học vấn cao, chứ không chỉ là những người nghèo như trong các cuộc biểu tình mùa đông vừa qua.

Thay đổi này được thấy rõ sau khi Thủ tướng P.Oresharski ra quyết định bổ nhiệm luật sư Deylan Peevski - một nhà tài phiệt trong lĩnh vực truyền thông làm giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia. Việc bổ nhiệm nhà tài phiệt 32 tuổi không có chút kinh nghiệm trong ngành an ninh được thông qua nhanh gọn, không có tranh luận tại Quốc hội đã khiến giới trí thức Bulgaria nổi cơn thịnh nộ.

Dưới áp lực "đường phố", Thủ tướng P.Oresharski đã hủy quyết định bổ nhiệm ông D.Peevski, xin lỗi người dân; đồng thời trình Quốc hội gói biện pháp giảm nghèo đói bao gồm trợ giá khí sưởi, ổn định giá các tiện ích, tăng trợ cấp nghỉ sinh con, tăng lương hưu và lương cho viên chức... Tuy nhiên, tất cả đã không thể xoa dịu phong trào biểu tình do người dân đã quá bất mãn với những mối liên hệ không rõ ràng giữa giới tài phiệt và hệ thống chính trị.

Vì vậy, 60 nhân sĩ trí thức hàng đầu Bulgaria đã ra một tuyên bố gọi là "Hiến chương nhằm giải thể mô hình nhà nước tài phiệt Bulgaria". Ngoài chỉ trích quyết định bổ nhiệm giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia, bản hiến chương còn liệt kê nhiều trường hợp khác khẳng định có sự cấu kết giữa giới tài phiệt với chính quyền trong những năm qua. Họ kêu gọi khởi động một tiến trình nhằm đề ra phương cách giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Trên thực tế, 6 năm sau khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), Bulgaria được xem là nước nghèo nhất "ngôi nhà chung" gồm 28 thành viên, với thu nhập trung bình của người lao động chỉ ở mức 480 USD/tháng. Việc kinh tế Bulgaria tăng trưởng rất thấp trong thời gian qua, cộng thêm những tác động của chính sách "thắt lưng buộc bụng" chung của EU đã và đang tác động trực tiếp tới nhiều mặt trong đời sống người dân; đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo.

Trong bối cảnh như vậy, kết quả cuộc bầu cử trước thời hạn diễn ra vào tháng 5 vừa qua đã không giúp cải thiện tình hình chính trị tại xứ Hoa hồng. Trong khi đó, hy vọng khôi phục lòng tin của các cử tri vào chính quyền là rất nhỏ. Khả năng bất ổn xã hội kéo dài đang đe dọa tàn phá nền kinh tế vốn đã yếu kém của Bulgaria với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,8% trong năm 2012 và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chiếm khoảng 20% số người trong độ tuổi lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bulgaria: Nguy cơ bất ổn kéo dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.