Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cơn bão” đến từ Syria

Vân Khanh| 30/08/2013 06:28

(HNM) - Cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến bản dự thảo nghị quyết về Syria do Anh đệ trình, đúng như dự báo đã không dẫn đến một kết luận nào.

Nguy cơ chiến tranh tại Syria đã vượt qua biên giới và gây biến động thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu.



Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc ông vẫn chưa quyết định sẽ thực hiện một cuộc tấn công vào Syria cũng không khiến những tin tức râm ran về một hành động quân sự đang tới gần giảm đi phần nào. Ngược lại, khẳng định của người đứng đầu Nhà Trắng rằng, Mỹ chắc chắn Chính phủ Syria đứng đằng sau vụ thảm sát thường dân bằng vũ khí hóa học, đã gần như hoàn tất kịch bản chiến tranh cho Syria.

Bao giờ một cuộc tấn công quân sự vào đất nước đã bị tàn phá bởi nội chiến suốt hơn 2 năm qua sẽ diễn ra? Câu trả lời mới dừng lại ở sự đồn đoán. Thế nhưng, mọi chuyển động đều cho thấy rằng sự kiện sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện khu vực Trung Đông đã vô cùng gấp gáp. Người dân Syria hối hả tích trữ lương thực và hàng hóa thiết yếu, các ngân hàng đông nghẹt người đến giao dịch trong khi những dòng người đứng chờ tại các máy rút tiền tự động ngày một dài thêm. Tuy nhiên, không chỉ người dân đất nước Trung Đông phải tìm cách tự lo cho mình trước tương lai bất ổn. Những tin tức về một cuộc chiến nữa tại khu vực nóng bỏng của thế giới đã khiến các thị trường toàn cầu rung lắc mạnh. Vàng đang chứng kiến những ngày tăng giá chóng mặt, dầu thô nhảy lên mốc cao nhất trong hơn hai năm, trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt tụt dốc thê thảm.

"Hãy mua vàng và bán euro", lời khuyên của nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Dennis Gartman hoàn toàn đồng điệu với xu hướng đang diễn ra. Dù đã giảm đôi chút từ mức cao nhất trong 3 tháng rưỡi qua, thiết lập vào chiều 28-8 do áp lực chốt lời, mốc 1417,5 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 29-8 vẫn là ngưỡng thể hiện sự kỳ vọng với giá vàng của các nhà đầu tư. Trong một thời gian khá dài, giá vàng duy trì ngưỡng tương đối ổn định khi nền kinh tế toàn cầu không phát đi thêm những cảnh báo nguy cấp đột biến. Tuy nhiên, những phiên giao dịch không có quá nhiều biến động mà đơn thuần là sự lên xuống theo quy luật thị trường đã bất ngờ bật mạnh với những tin tức từ Syria. Trong bối cảnh một cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia gần 19 triệu dân đã ở trước mặt, một cuộc tháo vốn ồ ạt khỏi những tài sản mang tính rủi ro cao như chứng khoán hay trái phiếu đã đảo ngược thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu. Nỗi lo ngại về bóng đen bất ổn với nền kinh tế thế giới đến sau những loạt tên lửa, bom, đạn… có thể trút xuống Syria đã lấy đi toàn bộ sự hào hứng mới được nhen nhóm trên các sàn giao dịch thế giới. Từ phố Wall, Châu Âu đến Châu Á, những bảng giao dịch đỏ lửa sau khi hàng chục tỷ USD được nhanh chóng rút khỏi thị trường. Trong sự tháo chạy của dòng vốn đó, chứng khoán Đông Nam Á chịu tổn thất nặng nề nhất. Với xu hướng bán ròng của nhà đầu tư, chỉ số MSCI Đông Nam Á đã mất đi 11% trong tháng này, giảm mạnh hơn so với mức 9,1% của MSCI toàn cầu và là sự tụt dốc mạnh nhất trong vòng 12 năm qua. Thế nhưng, sự chạy trốn của dòng tiền khỏi cổ phiếu đã khiến kim loại quý được lợi. Luôn được xem là một chiếc két sắt an toàn để bảo đảm giá trị tài sản mỗi khi nền kinh tế và chính trị thế giới gặp cảnh "trái nắng trở trời", vàng đã trở thành một điểm dừng chân đáng tin cậy của nguồn vốn đang dịch chuyển mạnh mẽ. Từ các quỹ tín thác vàng lớn trên thế giới đến những nhà đầu tư kỳ cựu, vàng được xem là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh hỗn loạn trước chiến tranh như hiện nay.

Không chỉ mang đến cơ hội cho giá vàng, dầu thô thế giới cũng đã trải qua những ngày đầy sôi động. Cùng với sự nóng bỏng tại Syria, giá dầu thô giao tháng 10 trên sàn New York đã tiếp tục lên ngưỡng 110,10 USD/thùng vào ngày 29-8 và là đỉnh cao nhất kể từ ngày 3-5-2011. Không phải là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt tại Trung Đông, nhưng một khi Syria bị tấn công quân sự, việc vận chuyển dầu khỏi khu vực được xem là trung tâm nhiên liệu của thế giới ít nhiều tự nhiên sẽ chịu tác động. Mặc dù không có khả năng lớn, nhưng cũng không loại trừ nguy cơ cuộc xung đột Syria có thể vượt ra phạm vi quốc gia Trung Đông để gây bất ổn ở tầm khu vực và dẫn đến một sự gián đoạn về nguồn cung. Đã có những dự báo rằng, sản lượng dầu của khu vực cung cấp tới 35% sản lượng dầu thô thế giới có thể giảm từ 500 nghìn thùng đến 2 triệu thùng/ngày nếu bất ổn lan rộng và kéo dài.

Cho đến nay, hơi thở gấp gáp của các thị trường thế giới đang hòa nhịp với những động thái của phương Tây tại Syria. Như thế để thấy rằng, không chỉ người dân tại đất nước Trung Đông đã tan hoang vì bạo lực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Ít nhất trên bình diện kinh tế, khủng hoảng Syria đã mở ra một đợt điều chỉnh mới với thị trường hàng hóa, tiền tệ, tài chính toàn cầu. Và người dân cả thế giới đang và sẽ tiếp tục bị chi phối bởi cơn bão táp đến từ Syria.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cơn bão” đến từ Syria

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.