Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cấp, mở rộng kênh đào Panama

Kim Phượng| 30/11/2013 07:22

(HNM) - Trung tuần tháng 11, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Panama để hối thúc giới chức nước này nhanh chóng hoàn thành việc mở rộng kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, hoạt động được đánh giá sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ.



Kênh đào Panama cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, đóng vai trò to lớn trong vận tải thủy giữa hai đại dương, rút ngắn hành trình nguy hiểm thông qua eo biển Drake và Mũi Sừng (Cape Horn), điểm cực nam của Nam Mỹ. Một chuyến đi của tàu thuyền từ New York tới San Francisco qua kênh đào này chỉ còn khoảng 9.500km, chưa tới một nửa khoảng cách của hành trình trước đây qua Mũi Sừng (22.500 km). Mặc dù ý tưởng về kênh đào tại Panama đã có từ đầu thế kỷ XVI, nhưng cố gắng đầu tiên trong việc xây dựng kênh đào này chỉ có vào năm 1880 dưới sự lãnh đạo của Pháp. Sau khi cố gắng này sụp đổ vì nhiều khó khăn khác nhau, công trình cuối cùng đã được Mỹ hoàn thành và chính thức mở cửa vào năm 1914. Kể từ khi đi vào hoạt động, kênh đào đã trở thành con đường then chốt trong hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, đến nay kênh đào Panama đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải. Vào năm 1934, người ta đã dự tính rằng kênh đào này có thể lưu thông tối đa khoảng 80 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi một cách nhanh chóng từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (năm 2002). Trước thời điểm này, hàng hóa qua kênh Panama chủ yếu là của Mỹ, Chile và một số nước khác. Nhưng sau đó thì các tàu tải trọng lớn hàng vạn tấn chất đầy hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia Đông Á đã nối đuôi nhau qua con kênh. Trước đây, các tàu vận tải quốc tế khi đi qua Panama không cần nhiều thời gian chờ. Hiện nay, việc qua được kênh Panama đã trở thành nỗi ám ảnh với các thủy thủ vì không ít con tàu mất tới 9 ngày mới đi qua con kênh dài 80km này. Bên cạnh đó, khi xây kênh đào Panama cách đây gần 100 năm, người ta đã không thể dự tính được kích cỡ của tàu biển hiện nay. Hiện nay, độ sâu của dòng kênh vĩ đại này đã không còn phù hợp với những con tàu tải trọng hàng vạn tấn, do vậy bắt buộc phải đào sâu, mở rộng thêm. Cơ quan quản lý kênh Panama còn cảnh báo rằng nếu con kênh này không được mở rộng, lợi nhuận kinh doanh sẽ rơi vào tay những con kênh khác, trong đó có kênh đào Suez, phục vụ tàu từ Viễn Đông sang Châu Âu. Bên cạnh đó, Nicaragua ở phía bắc Panama cũng đang chuẩn bị xây dựng một con kênh cho riêng mình nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Do đó, năm 2007, dự án mở rộng kênh đào chiến lược trị giá hơn 5 tỷ USD đã chính thức được khởi công. Dự kiến việc nâng cấp, mở rộng sẽ hoàn tất vào năm 2015. Khi công trình này hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người, cùng với những khoản thu hàng tỷ USD mỗi năm. Hiệu quả kinh tế của nó dễ dàng được thấy trước. Lần đầu tiên trong gần một thế kỷ tồn tại, kênh đào Panama có thể phục vụ những chiếc tàu biển khổng lồ, "siêu trọng" có độ dài tới 295m và rộng 33m. Kênh cũng đón nhận những tàu chở container có kích cỡ bằng 5 sân bóng đá. Ngoài ra, việc nâng cấp, mở rộng sẽ rút ngắn thời gian chờ của các tàu khi đi qua. Các chuyên gia kinh tế nhận định, kênh đào Panama được mở rộng sẽ giúp cải thiện một cách hiệu quả nhất chi phí vận chuyển hàng hóa trên biển từ các trung tâm sản xuất lớn ở Châu Á đến khu vực dân cư đông đúc ở vùng biển phía đông Bắc Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cấp, mở rộng kênh đào Panama

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.