Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế thế giới: Lạc quan trong khó khăn

Đình Hiệp| 25/02/2014 06:24

(HNM) - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi vừa kết thúc tại Australia, đã ra tuyên bố sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội của nhóm thêm hơn 2% trong vòng 5 năm tới.

Kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu hồi phục khả quan.



Ra đời vào năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ quy mô lớn ở khu vực Châu Á 1997-1998, Nhóm G20 ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế thế giới. Chiếm tới 2/3 dân số toàn cầu, gần 90% GDP và 80% thương mại quốc tế, bất cứ "nhất cử, nhất động" của các nền kinh tế Nhóm G20 đều tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với mục tiêu nâng tổng GDP của nhóm tăng thêm hơn 2% trong vòng 5 năm tới, tức là tăng thêm hơn 2.000 tỷ USD, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G20 kỳ vọng sẽ góp phần đưa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở lại với chiều hướng bền vững thông qua tăng cường đầu tư, tạo thêm việc làm và thúc đẩy thương mại.

Mặc dù được đánh giá là khá tham vọng trong bối cảnh "sức khỏe" nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự ổn định sau thời gian dài "sống" trong khủng hoảng và suy thoái, thế nhưng mục tiêu trên của Nhóm G20 được cho là đã dựa trên những cơ sở có thực. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được đẩy nhanh trong năm 2014 khi các nền kinh tế phát triển - chủ yếu là các thành viên Nhóm G20 - đạt tới một bước ngoặt mới 5 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo dự báo mới nhất của định chế tài chính này, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, 3,4% trong năm 2015 và 3,6% trong năm 2016, từ mức 2,4% đạt được trong năm 2013. Trong đó tăng trưởng kinh tế khởi sắc và nhu cầu gia tăng tại các nền kinh tế phát triển được xem là động lực quan trọng hỗ trợ tích cực cho các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời sẽ giúp bù đắp cho tình trạng thắt chặt về tài chính có thể xảy ra.

Mục tiêu này cũng được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần khởi sắc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lạc quan cho rằng, quyết tâm của G20 có thể đóng góp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới thêm 0,5 điểm phần trăm, với mức tăng dự kiến trong năm nay và năm tới sẽ đạt các mức 3,7% và 3,9%. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho rằng, kế hoạch dài hạn trên là cần thiết để đà phục hồi kinh tế toàn cầu "sang trang mới".

Mặc dù những rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu đã dần được kiểm soát, thế nhưng những bất ổn về chính sách tài khóa của Mỹ, sự phục hồi còn chật vật của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cùng khả năng xuất hiện những trở ngại trong quá trình tái cơ cấu kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Trong đó, việc tái cân bằng thành công nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - từ chỗ dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng sẽ là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, việc G20 vẫn chưa đề ra được chiến lược cụ thể để hành động cũng khiến triển vọng đạt được mục tiêu trên là không đơn giản.

Thực tế cho thấy, các hội nghị G20 trước đó cũng từng cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng lại hầu như chưa đạt được kỳ vọng. Thế nên nhiều ý kiến cho rằng, giữa mục tiêu đầy tham vọng mà Nhóm G20 vừa đề ra và những thách thức hiện tại vẫn còn khoảng cách khá xa. Trong đó, việc G20 chưa có biện pháp giải quyết các vấn đề khó khăn mà nhiều nước thành viên nhóm đang đối mặt là một thực tế. Đáng kể nhất là ảnh hưởng của việc Mỹ thu hẹp dần các gói kích thích kinh tế, dẫn đến sự mất cân bằng trong dòng vốn tại các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù vậy, niềm lạc quan trong hội nghị G20 đã khẳng định sự bền vững của những tín hiệu hồi phục đang ngày một mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thế giới: Lạc quan trong khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.