Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Canh bạc liều lĩnh”

Thùy Dương| 17/03/2014 06:14

(HNM) - Bất chấp sức ép và đe dọa ngừng viện trợ từ Washington, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai vừa tái khẳng định lập trường sẽ không ký Hiệp định An ninh song phương (BSA) với Mỹ.


Trước đó, Kabul và Washington đã mất nhiều tháng thương lượng về BSA với mục tiêu cho phép duy trì khoảng 10.000 - 12.000 binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014. Tuy nhiên, tổng thống sắp mãn nhiệm của Afghanistan kiên quyết không ký văn kiện này. Lý do ông đưa ra là phản đối một số quyền ưu tiên đặc biệt dành cho lính Mỹ như cho phép các binh sĩ Mỹ quyền miễn trừ hoàn toàn trước luật pháp sở tại, được tự do tiến hành tấn công các mục tiêu khủng bố và tự do khám xét các nhà thờ, nhà dân. Ông khẳng định sẽ để lại nhiệm vụ này cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử ngày 5-4.

Afghanistan vẫn là một địa bàn chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.



Thực tế, thời gian gần đây Tổng thống H.Karzai liên tục chỉ trích Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi cho rằng chính các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO đã đem sự bất ổn đến cho Afghanistan và không bảo đảm được an ninh cho nước này. Do biến mình thành "căn cứ" cho Mỹ và đồng minh tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở khắp khu vực Trung và Nam Á nên Afghanistan đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trả đũa do các lực lượng Taliban và Al-Qaeda. Afghanistan đã yêu cầu Mỹ bảo vệ người dân nước này trước các cuộc tấn công của các lực lượng Taliban từ các hẻm núi phía Đông, khu vực biên giới giáp với Pakistan, nhưng Mỹ đã từ chối yêu cầu này. Washington tuyên bố không có "cây gậy thần" để giải quyết ngay lập tức các vấn đề của quốc gia Nam Á này.

Thái độ kiên quyết của Tổng thống H.Karzai chắc chắn sẽ khiến Mỹ không hài lòng nhưng các chuyên gia nhận định, chiến lược trên xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc mà ông theo đuổi trong suốt thời kỳ cầm quyền. Trong những tháng cuối cùng trên cương vị tổng thống, ông H.Karzai gần như phải chơi một "canh bạc liều lĩnh" khi kiên quyết từ chối ký BSA với Mỹ. (Đây là thỏa thuận lớn đầu tiên cho phép một siêu cường đặt căn cứ quân sự tại Afghanistan - được xem như một trong những giới hạn đỏ của chủ nghĩa dân tộc Afghanistan). Dường như ông Karzai không muốn bị lịch sử phán xét rằng đã đi qua giới hạn khi đặt bút ký vào BSA.

Trong khi đó, một số quan chức Nhà Trắng thừa nhận, việc rút toàn bộ binh sĩ hay để lại khoảng 10.000 quân ở lại Afghanistan đều là những bài toán khó đối với Tổng thống Barack Obama, người cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến này nhưng lại không muốn bỏ mặc Afghanistan rơi vào tình trạng như Iraq hiện nay. Mỹ muốn duy trì binh sĩ ở lại nước này để tiếp tục cuộc chiến chống các thế lực khủng bố quốc tế Al-Qaeda, cũng như các tàn dư Taliban cấu kết với các thế lực khủng bố và làm nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Afghanistan. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy, việc Washington muốn duy trì sự có mặt quân sự của họ tại Afghanistan không đơn thuần chỉ dừng lại ở những mục tiêu đơn giản như vậy. Mỹ từ lâu đã xác định lợi ích an ninh quốc gia tại Nam Á là bảo đảm sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng tại khu vực địa - chính trị chiến lược quan trọng này. Việc ký BSA đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để binh lính liên quân, chủ yếu là lính Mỹ, tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014. Và như vậy, Lầu Năm Góc sẽ không phải rút toàn bộ binh sĩ cùng hệ thống vũ khí, hậu cần về nước. Thực tế, rút quân khỏi Afghanistan sẽ là nỗ lực tốn kém và phức tạp bậc nhất trong lịch sử quốc phòng Mỹ.

Dẫu vậy, việc ký hay không BSA đều có thể sẽ có những ảnh hưởng lớn cho Afghanistan. Tuy 12 năm chiến tranh đã trôi qua nhưng đất nước này vẫn còn vô cùng non nớt từ các thể chế nhà nước lẫn năng lực an ninh. Ở một khía cạnh nào đó, Afghanistan vẫn là địa bàn có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố và sự hiện diện của Mỹ tại đây vẫn có thể mang đến những hỗ trợ cần thiết đối với Afghanistan. Vì vậy, việc Kabul và Washington không có được sự đồng thuận thể hiện rõ sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Chính phủ đương nhiệm Afghanistan và Mỹ. Điều này không có lợi cho cả hai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Canh bạc liều lĩnh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.