Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất nước Ukraine: Trước bờ vực nội chiến

Quốc Chính| 17/04/2014 06:34

(HNM) - Cú va chạm địa - chính trị, quân sự dữ dội giữa Nga và Châu Âu cùng đồng minh Mỹ tại Ukraine sau sự kiện bán đảo Crimea trở lại bản đồ Nga đã làm xuất hiện những rạn nứt mới.


Đó là khi Chính phủ tạm quyền Ukraine với nhiều thành viên trong cuộc đảo chính "mềm" khai hỏa "chiến dịch đặc biệt" (vào ngày 15-4) nhằm trấn áp lực lượng biểu tình ở miền Đông Ukraine - nơi không ủng hộ chính quyền đương thời Kiev. Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleksandr Turchynov cùng ngày cũng đã tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình tại vùng Donetsk, miền Đông Ukraine.

Hai thành phố Kramatorsk và Slavyansk ở miền Đông, giáp biên giới Nga - Ukraine là "mục tiêu" đầu tiên của "chiến dịch đặc biệt". Xe bọc thép, trực thăng vũ trang và lính dù Ukraine đã tiến vào Kramatorsk và Slavyansk. Cuộc đụng độ giữa những người biểu tình chiếm giữ sân bay tại thành phố Kramatorsk với lực lượng lính dù Ukraine đã nổ ra khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Bộ Quốc phòng Ukraine cũng xác nhận đã có một "hoạt động đặc biệt" ở Kramatorsk. Trong khi đó, thành phố Slavyansk cũng bị quân đội Ukraine phong tỏa.

Binh sĩ Ukraine bắt đầu "Chiến dịch đặc biệt" tại miền Đông nước này.



Trước những vụ đổ máu tại miền Đông Ukraine, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hy vọng Kiev không để leo thang xung đột ở miền Đông và nhấn mạnh một cuộc nội chiến ở Ukraine "là điều đáng sợ". Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cảnh báo việc Kiev dùng vũ lực để đối phó với biểu tình ly khai sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc đàm phán bốn bên giữa Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Ukraine và Nga ở Geneva (Thụy Sĩ) dự kiến vào ngày 17-4 tới. Lo ngại cuộc khủng hoảng tiếp diễn tại Đông Ukraine có thể biến thành nội chiến; đồng thời tránh đổ máu cho dân thường, Mátxcơva đã quyết định ngưng trả vũ khí cho Ukraine theo quyết định trước đó của Mátxcơva sau sự kiện "thu hồi" Crimea.

Ngày 16-4, theo tờ Guardian, những tay súng ly khai đã chiếm được 5 xe bọc thép và 1 xe tăng của quân đội Ukraine và diễu quanh thành phố Kramatorsk. Nhiều người dân địa phương đã đổ ra đường để chào mừng đoàn xe. Kênh truyền hình Nga RT đã xác nhận tin này.

Chiến dịch trấn áp người biểu tình đòi ly khai ở miền Đông Ukraine ngay lập tức châm ngòi cho cuộc "khẩu chiến" xuyên đại dương giữa Nga và Mỹ. Trong một cuộc điện đàm vào ngày 14-4, người đứng đầu Nhà trắng cáo buộc Mátxcơva hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga đang gây bất ổn tại Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Mátxcơva sẽ "hứng chịu hậu quả vì các hành động ở Ukraine". Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ cáo buộc cho rằng Mátxcơva can thiệp vào Ukraine và kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng ảnh hưởng và khả năng của xứ Cờ hoa để ngăn chặn Kiev sử dụng vũ lực gây đổ máu ở miền Đông nước này. Các cường quốc Anh, Đức và Pháp... đã lên tiếng kêu gọi "các bên" hành động để tháo ngòi nổ căng thẳng hiện nay. Mỹ và các đồng minh Châu Âu cũng đưa ra tuyên bố về các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Mátxcơva từ Mỹ và đồng minh Châu Âu cũng đều "vô căn cứ" và "phản tác dụng". "Thay vì dọa nạt chúng tôi bằng một loạt biện pháp cấm vận mới, EU nên tập trung vào nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nội bộ của Ukraine", Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Trong lúc tình hình miền Đông Ukraine nóng lên từng ngày thì nội bộ nước này đã xuất hiện dấu hiệu chia rẽ khó hàn gắn. Các phần tử quá khích đã tấn công 2 ứng viên Tổng thống Ukraine là Oleg Tsarev và Mikhail Dobkin khi họ đang thực hiện các bước cuối cùng trước khi ra tranh cử vào ngày 25-5 tới. Ứng viên O.Tsarev phải nhập viện ở Kiev và nơi ở đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Hai ứng viên O.Tsarev và M.Dobkin đều là ứng viên độc lập. Cựu Thống đốc vùng Kharkov thuộc miền Đông, thương gia M.Dobkin hứa hẹn tái sinh các quan hệ với Mátxcơva; trong khi ứng viên O.Tsarev, cựu dân biểu, đại diện của Đảng các Vùng (bị đảng này khai trừ hôm 7-4), theo đường lối ôn hòa, ủng hộ một nhà nước liên bang ở Ukraine.

Trong chưa ấm, ngoài chưa êm nay lại thêm "Chiến dịch đặc biệt" chưa tới hồi kết, Kiev đang thu hút sự chú ý của không chỉ những người trong cuộc. Một sự thật đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hiện nay là những thủ lĩnh giành chính quyền bằng biểu tình đang chống lại những người biểu tình vũ trang có nguy cơ không chỉ đẩy Ukraine vào một cuộc chiến mà còn lôi kéo các bên liên quan đến những ngả rẽ khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nước Ukraine: Trước bờ vực nội chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.