Theo dõi Báo Hànộimới trên

Palestine hòa giải dân tộc: Hướng về mục tiêu chung

Vân Khanh| 25/04/2014 06:14

(HNM) - Những nỗ lực nhằm hồi sinh hy vọng thống nhất dân tộc của người Palestine vốn từng được nhen nhóm nhưng rồi lại lụi tàn nhiều lần trong quá khứ hiện đã có động lực mới.



Lần đầu tiên kể từ khi rơi vào tình trạng chia rẽ và đối đầu nghiêm trọng vào năm 2007, một phái đoàn cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã có mặt tại dải Gaza để thúc đẩy lộ trình hòa giải giữa hai phong trào Fatah và Hamas.

Đại diện PLO (trái) và lãnh đạo Hamas gặp gỡ tại Gaza.


Là hai tổ chức chính trị lớn nhất Palestine nhưng lại không có chung lập trường trong hàng loạt vấn đề, ngọn nguồn của sự bất đồng kéo dài gần 1 thập kỷ qua giữa Fatah và Hamas bắt đầu từ cuộc bầu cử Quốc hội năm 2006 với chiến thắng thuộc về phong trào Hồi giáo có ảnh hưởng lớn tại Gaza. Theo đuổi "sự cai trị" có xu hướng cực đoan và bản thân lại không thuộc PLO, tổ chức được quốc tế công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine từ năm 1974, Hamas trượt theo đường lối cứng rắn ngay trong cách ứng xử với Fatah - người bạn trên chính trường hiện nắm quyền lãnh đạo chính quyền Palestine. Hành động chiếm giữ tất cả những cơ sở an ninh và dân sự của chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas ở Gaza bằng vũ lực hồi năm 2007 đã dẫn đến sự tuyệt giao giữa hai lực lượng chủ chốt trên chính trường Palestine. Cũng từ đó, Hamas độc chiếm dải Gaza trong khi Tổng thống M.Abbas quản lý khu Bờ Tây. Song thảm họa thực sự đến sau đó khi Israel tấn công quân sự vào vùng đất này năm 2007 và áp đặt lệnh phong tỏa ngặt nghèo, khiến Gaza trở thành "ốc đảo" cách biệt với thế giới bên ngoài. 


Những tưởng nỗi thống khổ của cô lập, một trong những lý do đưa Hamas tới thủ đô Cairo của Ai Cập năm 2011 để ký kết thỏa thuận hòa giải với Fatah, sẽ là nền tảng cơ bản để hai phe phái tại Palestine chấm dứt sự chia rẽ nội bộ sâu sắc, song, cuộc gặp gỡ ở Doha (Qatar) một năm sau đó nhằm thúc đẩy việc thực thi những cam kết đã được hứa hẹn nhưng đang đứng yên một chỗ cũng vẫn chỉ là những thỏa thuận suông. Chính quyền Palestine một mình rong ruổi hành trình khó khăn tìm kiếm chỗ đứng chính đáng cho dân tộc tại Liên hợp quốc và trong các cuộc đàm phán cho hòa bình lâu dài với Israel, trong khi Hamas thậm chí đã có lúc dựng rào cản trên con đường này với tuyên bố không thừa nhận PLO là tiếng nói đại diện của cả dân tộc. Vì thế, sự chuyển biến của các lãnh đạo Hamas không đơn giản chỉ vì đã ngộ ra "quay đầu là bờ". Kể từ khi ra đời năm 1988, Hamas chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào Anh em Hồi giáo (MB) vốn xuất thân và có ảnh hưởng lớn tại Ai Cập. Thế nhưng, sự thất thế của tổ chức hơn 80 năm tuổi này sau cuộc lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã lấy đi của Hamas chỗ dựa vững chắc về tinh thần và vật chất. Vận rủi không dừng ở đây, việc buộc phải đi theo MB trong quan điểm ủng hộ phe đối lập tại Syria làm lực lượng đang lãnh đạo Gaza mất nốt đối tác cũ là chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Hết bị chính quyền mới ở Cairo "cấm cửa", mọi cơ sở của Hamas tại Syria cũng rơi vào cảnh "đắp chiếu". Sự trông cậy vào vương quốc khí đốt Qatar, đối tác có mối quan hệ thân mật với MB cũng không mấy khả thi khi Doha phải rút lại sự hậu thuẫn lâu nay để tránh cuộc đối đầu trực diện với nhiều quốc gia Arab, đặc biệt là "người anh cả" Saudi Arabia - chính thể luôn "ghét cay ghét đắng" MB. Không thể tồn tại khi "đơn thương độc mã", thế nên cách thức tốt nhất và khôn ngoan nhất là tìm điểm tựa từ chính những người đồng bào của mình. Do đó, Hamas đã đồng ý cùng Fatah thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc do Tổng thống M.Abbas lãnh đạo trong khoảng thời gian 5 tuần để tiến tới tổ chức một cuộc tổng tuyển cử dân chủ ở cả Gaza và Bờ Tây trong vòng 6 tháng sau đó.

7 năm sau khi mỗi người một ngả, Palestine lại đứng trước thời khắc hòa hợp lịch sử. Cái bắt tay với phe phái đang "cai quản" Gaza không chỉ kết thúc cảnh tượng trớ trêu "hai quốc gia trong một nhà nước" mà còn mang đến cho Palestine một ngôn ngữ chung, một nguồn sức mạnh to lớn hơn, tính pháp lý thuyết phục hơn để tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết của dân tộc. Lâu nay, thái độ từ chối công nhận Israel cùng những động thái thiếu tính toán của Hamas trong cuộc đối đầu với chính quyền Do Thái luôn là cái cớ để Tel Aviv khước từ những thỏa ước hòa bình với Palestine. Vì vậy, sự quy thuận của Hamas cũng là lời tuyên bố chính thức về việc tổ chức này sẽ xa rời lập trường cứng rắn để đi theo chính sách của PLO trong hòa đàm. Việc tạo nên một thể thống nhất giữa Gaza và Bờ Tây về lâu dài sẽ củng cố vị thế của Nhà nước Palestine trên bàn đàm phán khi cả dân tộc đã chịu đựng quá nhiều bất công này đang cùng hướng về một mục tiêu chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Palestine hòa giải dân tộc: Hướng về mục tiêu chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.