Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp bầu cử địa phương: Phép thử gai góc

Quỳnh Chi| 20/05/2014 06:47

(HNM) - Ngày 18-5, Hy Lạp đã bắt đầu tiến hành cuộc bầu cử địa phương - sự kiện vốn được xem như phép thử lớn đối với Chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây hai năm.

Trong vòng một cuộc bầu cử này, gần 10 triệu cử tri Hy Lạp có đủ điều kiện để bỏ phiếu bầu ra 325 thị trưởng và 13 chủ tịch hội đồng vùng. Vòng hai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25-5. Theo các nhà phân tích, dù đây chỉ là cuộc bầu cử địa phương, song về cơ bản là thước đo tương quan lực lượng giữa những người ủng hộ chính sách kinh tế của chính phủ và những người muốn gửi đi thông điệp phản đối. Kết quả bỏ phiếu cũng sẽ phản ánh xu hướng ủng hộ của các cử tri trong thời gian tới sẽ nghiêng về đảng Dân chủ mới của Thủ tướng A.Samaras hay đảng cực hữu đối lập Syriza.

Các cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương.


Sau 4 năm kể từ khi khủng hoảng nợ bùng phát, Hy Lạp - nước phải hai lần nhận sự cứu trợ của cộng đồng quốc tế để tránh nguy cơ sụp đổ đang đón nhận những tín hiệu tích cực đầu tiên. Trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Châu Âu (EC), Hy Lạp đã đạt thặng dư ngân sách ở mức 1,5 tỷ euro, chưa tính số tiền lãi các khoản nợ phải trả trong năm 2013. Đây là một kết quả ngoài mong đợi khi nước này mới chỉ nhắm tới mục tiêu cân bằng ngân sách mà Athens đã nhất trí với các chủ nợ quốc tế.

Theo các nhà phân tích, những tiến bộ mà Hy Lạp đạt được phần lớn là nhờ những nỗ lực của nước này nhằm cải thiện tình hình tài chính công kể từ năm 2010, thời điểm Athens lần đầu nhận các khoản cho vay cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, những cuộc cải cách về cơ cấu được triển khai trên thị trường lao động và hàng hóa đã giúp gia tăng năng lực cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp củng cố hoạt động xuất khẩu và đầu tư của Hy Lạp. Thời gian gần đây, các chỉ số đo lòng tin tiếp tục được cải thiện. Dự báo của Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, trong năm nay, kinh tế Hy Lạp ước tăng trưởng với nhịp độ 0,6% và sẽ có bước tăng nhảy vọt 2,9% vào năm 2015.

Tuy nhiên, bất chấp kết quả tích cực trong việc khắc phục tình hình tài chính công nói trên cũng như dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay, Hy Lạp vẫn mang trên vai gánh nợ tương đương tới 175% GDP, vượt xa mức trần 60% GDP mà EU đề ra. 6 năm suy thoái và làn sóng thắt lưng buộc bụng lặp đi lặp lại đã thu hẹp thu nhập và khiến bức tranh về thị trường lao động của Hy Lạp vẫn khá u ám. Cụ thể, số người tìm việc dự kiến sẽ giảm từ mức 27% (năm 2013) xuống 26% (năm 2014) và 24% (năm 2015). Con số này cao gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp 12% năm 2014 và 11,7% năm 2015 được dự báo cho Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Liệu pháp khắc khổ trong thời gian dài kéo theo hàng loạt cắt giảm về chế độ phúc lợi xã hội, bảo hiểm... đã đẩy nguy cơ khủng hoảng xã hội lên mức thường trực ở "xứ sở các vị thần"! Nhiều cuộc biểu tình, thậm chí bạo loạn, đã diễn ra trên khắp Hy Lạp không khỏi khiến người ta nghi ngại quốc gia này sẽ chìm trong cuộc khủng hoảng kép. Cũng vì chính sách khắc khổ theo điều kiện ngặt nghèo của bộ ba chủ nợ gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và EU vẫn sẽ tiếp tục phải áp dụng trong thời gian tới nên nhiều ý kiến cho rằng, đảng cầm quyền của Thủ tướng A.Samaras khó có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương lần này.

Theo kết quả thăm dò dư luận ngay sau khi cuộc bầu cử vòng một diễn ra, đảng Syriza đang vượt qua đảng Dân chủ mới cầm quyền. Nếu vòng hai cuộc bầu cử sắp tới, Syriza tiếp tục giành lợi thế, chắc chắn Thủ tướng A.Samaras sẽ phải xem xét lại chiến lược của đảng cầm quyền, nhằm giành lại uy tín chuẩn bị cho "cuộc đua" trong nhiệm kỳ tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp bầu cử địa phương: Phép thử gai góc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.