Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ukraine: Đơn phương ngừng bắn chỉ là khoảng lặng?

Phương Quỳnh| 20/06/2014 06:27

(HNM) - Ngày 19-6, ở hai


Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng kéo dài nửa năm qua tại đất nước bên bờ Biển Đen này đã kết thúc. Nói một cách chính xác hơn thì tương lai và sự ổn định của Ukraine đang bị định đoạt bởi "cuộc chơi" giữa các cường quốc nhằm giành giật ảnh hưởng tại khu vực.

Miền Đông Ukraine tạm thời yên tiếng súng sau lệnh ngừng bắn.


Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, không ít các cuộc tiếp xúc cả song phương lẫn đa phương đã diễn ra giữa lãnh đạo các bên liên quan. Tuy nhiên, kết quả đạt được cho đến nay được đánh giá là rất hạn chế. Một cách cụ thể thì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đối thoại với người đồng cấp Mỹ Barack Obama kể từ khi Kiev tiến hành chiến dịch chống khủng bố nhằm vào những người biểu tình chống chính phủ ở một số tỉnh miền Đông Ukraine. Hai cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cho thấy bất đồng quan điểm không thể dung hòa giữa hai bên về vấn đề này. Trong lúc Điện Kremlin thúc giục Nhà Trắng gây sức ép buộc Kiev phải dừng ngay các hành động quân sự và đàm phán trực tiếp với phe ly khai ở khu vực miền Đông, thì Washington lại kêu gọi Mátxcơva chấm dứt ủng hộ đối với lực lượng chống Kiev, đồng thời kêu gọi lực lượng này từ bỏ vũ khí. Cùng với đó, khi Mátxcơva lên án việc Kiev thẳng tay đàn áp người dân ở phía Đông như một "chiến dịch trừng phạt" thì Mỹ vẫn khẳng định Ukraine có quyền thực thi các biện pháp nhằm duy trì luật pháp và trật tự tại đất nước của họ.

Ngày 19-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich kêu gọi các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ dự thảo nghị quyết về Ukraine do Mátxcơva đề xuất trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang và tình hình nhân đạo nghiêm trọng gia tăng tại khu vực Đông nam Ukraine.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov tuyên bố số người tị nạn từ Đông nam Ukraine vào Nga đã lên tới hơn 100.000 người. Liên quan đến tuyên bố của Ukraine sẽ đơn phương phân định biên giới với Nga, ông Lukashevich tuyên bố Mátxcơva hy vọng Kiev sẽ không thực hiện việc này.

Trong cuộc điện đàm ngày 18-6 với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định, Washington sẽ phối hợp với các đồng minh nhằm "buộc Nga phải trả giá thêm" nếu Mátxcơva không sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để chấm dứt tình trạng bạo lực ly khai ở miền Đông Ukraine. Ông Biden cũng cam kết tiếp tục kế hoạch hòa bình và tăng cường các biện pháp nhằm thống nhất quốc gia Ukraine đang xảy ra xung đột này. Dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ và nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu, ngày 19-6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Mykhailo Koval cho biết nước này sẽ thành lập một đơn vị tác chiến đặc biệt tinh nhuệ trong tương lai gần để đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nhiều nguồn tin còn cho biết quân đội Ukraine dự định mua 1.000 xe bọc thép nhằm sử dụng trong chiến dịch trừng phạt ở miền Đông nước này. Những động thái mới được đưa ra khiến dư luận không khỏi nghi ngờ quyết định ngừng bắn ở miền Đông mà chính quyền Ukraine đưa ra có thể chỉ là khoảng lặng trước cơn bão mới. Và ngày càng có nguy cơ cho thấy cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đang nhanh chóng chuyển sang một cuộc nội chiến.

Kết quả điều tra được tiến hành bởi một hội đồng đặc biệt của Liên hợp quốc ở Ukraine, trong đó đại diện là ông Gianni Magazzeni, người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Châu Âu về quyền con người cho thấy ít nhất 356 người, bao gồm 257 dân thường, đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu ở miền Đông Ukraine, trong đó có 14 trẻ em. Hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy. Còn theo con số thống kê từ Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga, tính đến ngày 19-6, đã có gần 19.000 người Ukraine đã chạy tị nạn sang Nga. Những người này hiện lưu trú tại các tỉnh miền Nam, Trung và Tây bắc cũng như ở Sevastopol và Crimea. Chỉ trong 24 giờ qua, tại khu vực miền Nam của Liên bang Nga đã có thêm 5.200 người tị nạn Ukraine, trong đó có hơn 2.400 trẻ em. Trong bối cảnh như vậy, nếu Nga và phương Tây tiếp tục có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng thì triển vọng ổn định ở Ukraine sẽ mãi là một giấc mơ khó thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ukraine: Đơn phương ngừng bắn chỉ là khoảng lặng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.