Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vực dậy ngành “công nghiệp không khói”

Đình Hiệp| 21/06/2014 05:07

(HNM) - Cuộc sống sôi động về đêm ở thành phố du lịch Bangkok đang dần trở lại với nhịp điệu vốn có sau khi chính quyền quân sự Thái Lan quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.



Với lý do không xảy ra bất kỳ vụ bạo lực nào và sự cần thiết phải hỗ trợ ngành du lịch nước này, tuyên bố trên ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới kinh doanh trong ngành "công nghiệp không khói" ở xứ Chùa Vàng.


Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2013 vừa qua, ngành du lịch đã đóng góp khoảng 2,4 nghìn tỷ baht cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan, chiếm khoảng 20% trong tổng GDP. Ngành công nghiệp dịch vụ này còn tạo việc làm trực tiếp cho 2.563.000 người trong năm 2013 (chiếm 6,6% tổng việc làm) và con số này dự báo giảm đi 7,2% xuống còn 2.377.500 việc làm năm 2014. Cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan kéo dài suốt từ tháng 11 năm ngoái đã khiến ngành du lịch thất thu khoảng 90 tỷ baht (gần 3 tỷ USD). Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan đã giảm gần 400.000 lượt người - khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh sau khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính ngày 22-5 vừa qua. Trong đó, thủ đô Bangkok - điểm nóng của các cuộc biểu tình đường phố - trong suốt thời gian vừa qua là nơi ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều quốc gia đã khuyến cáo công dân của họ không nên tới Bangkok do lo ngại bất ổn. Vì thế, thay vì Bangkok nhiều du khách đã quyết định chuyển hướng tới các địa điểm khác như Chiang Mai, Koh Samui hay Phukhet…

Trong bối cảnh đó, việc chính quyền quân sự dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm được xem là đòn bẩy quan trọng để kích thích du lịch tăng trưởng trở lại và giảm bớt những tác động tiêu cực đối với cuộc sống hằng ngày của người dân. Với những nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này, việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm cho thấy mọi hoạt động đang trở lại bình thường và ngành du lịch sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị nữa. Điều quan trọng hơn, việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm sẽ giúp khách du lịch quốc tế cảm thấy yên tâm khi tới Thái Lan nghỉ ngơi và mua sắm.

Trong khi đó, chính quyền quân sự Thái Lan còn đang cân nhắc để triển khai các gói kích cầu du lịch nhằm góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế. Dự kiến, khoảng 100.000 người, bao gồm khách du lịch trong và ngoài nước, sẽ được thụ hưởng các gói kích cầu du lịch (miễn phí ăn ở và đi lại trong khoảng 2 đến 3 ngày) kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9-2014. Tổng chi phí dự kiến cho chương trình kích cầu du lịch ước tính khoảng 450 triệu baht (gần 13,87 triệu USD), trong đó 150 triệu baht (hơn 4,62 triệu USD) dành cho tham quan các điểm lịch sử và dự án của Hoàng gia Thái Lan. Tướng Noppadol Wattanotai, phụ trách một dự án của Hoàng gia Thái Lan cho biết: "Chính quyền quân sự đã rất nỗ lực để khôi phục lại tình hình. Đến thời điểm này, khách du lịch tới đây không còn phải lo ngại về sự an toàn nữa. Điều này được chứng tỏ qua việc lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ trên toàn quốc. Trước đây, du khách có thể còn lo ngại khả năng xảy ra đánh bom, nhưng bây giờ chuyện này tuyệt nhiên không còn nữa".

Hào hứng trước quyết định trên, nhiều công ty du lịch ở nước này cũng đang đưa ra những chương trình khuyến mãi rầm rộ riêng nhằm thu hút du khách nước ngoài đến với Thái Lan nhiều hơn. Với niềm tin rằng những năm qua, ngành du lịch Thái Lan đã chứng tỏ sự kiên cường khi phải trải qua các cuộc đảo chính, thảm họa thiên nhiên hay các xung đột chính trị, giờ đây ngành "công nghiệp không khói" này sẽ tiếp tục lấy lại vị thế vốn có trong lòng du khách quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vực dậy ngành “công nghiệp không khói”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.