Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng tại Ukraine: Đã có dấu hiệu hạ nhiệt

Quỳnh Chi| 27/06/2014 06:22

(HNM) - Cuộc khủng hoảng Ukraine vừa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Thượng viện Nga hủy nghị quyết cho phép Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine trong trường hợp cần thiết.


Quyết định của Thượng viện Nga được đưa ra theo đề xuất của chính Tổng thống V.Putin không chỉ nhằm giảm sức nóng tại khu vực miền Đông Ukraine mà còn đưa các bên liên quan xích lại gần nhau hơn trong các cuộc đàm phán ba bên - Nga - Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine - trong thời gian tới. Về phía Ukraine, trong một nỗ lực nhằm sớm tìm giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng chính trị, ngày 26-6, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã công bố một kế hoạch phi tập trung hóa quyền lãnh đạo đất nước. Khác với các chính phủ trước đây, chính quyền trung ương hiện nay muốn thay đổi hệ thống chính quyền khu vực và trao quyền lực thực sự cho các chính quyền địa phương. Tức là, chính quyền các địa phương sẽ phải tái cơ cấu hệ thống quyền lực, thiết lập các chính quyền tự quản tại các thành phố, thị trấn, làng mạc và xóa bỏ cơ chế quản lý cấp quốc gia đối với các địa phương, lâu nay vốn thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương Kiev. Kế hoạch này cũng sẽ tác động tích cực tới lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa, theo đó quyền lợi của những người nói tiếng Nga hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác sẽ được bảo đảm trên toàn đất nước thông qua những sửa đổi Hiến pháp trong thời gian tới. Về cơ bản, kế hoạch của Tổng thống Ukraine P.Poroshenko cũng gần sát với yêu cầu thành lập mô hình nhà nước liên bang mà Nga đã đưa ra cách đây 2 tháng. Dù Quốc hội Ukraine đã phủ quyết kế hoạch trưng cầu dân ý về liên bang hóa nước này, song động thái mà Tổng thống P.Poroshenko đưa ra cũng có thể hiểu là một bước đi trong nỗ lực giải tỏa căng thẳng kéo dài ở đất nước bên bờ Biển Đen suốt nửa năm qua.

Sự ổn định tại Ukraine còn phụ thuộc nhiều vào các cuộc đàm phán về tình hình miền Đông.


Có nhiều lý do để Mátxcơva và Kiev cùng "hạ giọng" trong thời điểm này. Thứ nhất, đó là tác động của các cuộc ngoại giao con thoi suốt nhiều tháng nay. Không thể phủ nhận nhiều kênh ngoại giao giữa Nga và EU đã diễn ra âm thầm ở nhiều cấp trong thời gian vừa qua, đặc biệt các cuộc điện đàm song phương thường xuyên giữa Tổng thống V.Putin với Thủ tướng Merkel và mới đây với cả Tổng thống Pháp F. Hollande. Thứ hai, các biện pháp trừng phạt được các bên đưa ra bắt đầu đã gây hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế. Đây là điều cả Nga và các nước phương Tây đều muốn né tránh nhất là trong bối cảnh quá trình phục hồi vẫn ở giai đoạn mong manh. 

(HNM) - Ngày 26-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: "Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của các bên liên quan trong việc ổn định tình hình ở miền Đông Ukraine, trong đó có việc thực hiện Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Petro Poroshenko vì lợi ích của nhân dân Ukraine, vì hòa bình và sự phát triển của Ukraine và khu vực. Việt Nam đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại miền Đông Ukraine".

Đình Hiệp

Trên thực tế, tín hiệu hạ nhiệt đã được phát đi từ ngay sau kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine. Tổng thống V.Putin đã công khai cho biết sẽ tôn trọng quyết định của nhân dân Ukraine và trong cuộc điện đàm tay ba với Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel ông cũng lập lại ý tưởng tương tự. Tiếp đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với chính quyền mới của Ukraine. Tuy nhiên, sự ổn định tại Ukraine còn phụ thuộc nhiều vào tiến trình đàm phán với sự tham gia của lực lượng ly khai ở miền Đông và chính quyền trung ương. Theo nhiều nhà phân tích, một thỏa thuận chỉ có thể đạt được khi Kiev thực hiện 7 điều kiện được thủ lĩnh Mặt trận Nhân dân Novorrosya, ông Oleg Tsaryov đưa ra trước đó gồm: rút lực lượng Cảnh vệ quốc gia, các nhóm vũ trang bất hợp pháp của tỷ phú Igor Kolomoyskyi và cánh hữu, cũng như các đơn vị quân đội ra khỏi các tỉnh Donetsk và Luhansk; bồi thường cho gia đình những người dân biểu tình hòa bình bị thiệt mạng; bồi thường thiệt hại cho người dân, bồi thường thiệt hại về cơ sở hạ tầng công cộng; bồi thường cho chủ sở hữu các cơ sở công nghiệp; thống nhất về các sửa đổi Hiến pháp cũng như xác định quy chế của Donetsk và Luhansk và ân xá cho tất cả dân quân và tù nhân chính trị.

Dẫu vậy, thách thức vẫn còn đó. Hiện giữa Nga và các nước phương Tây vẫn còn không ít ngờ vực lẫn nhau trong việc giải quyết tình hình ở miền Đông Ukraine. Do đó, dù các bên đã bắt đầu phát đi tín hiệu tích cực song thực tế vẫn còn nhiều chướng ngại đòi hỏi các bên phải vượt qua. Nhất là khi Ukraine sẽ ký thỏa thuận hợp tác với EU vào ngày 27-6. Đây từng là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua tại Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng tại Ukraine: Đã có dấu hiệu hạ nhiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.