Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách hay giữ nguyên cơ cấu chính trị?

Đình Hiệp| 09/07/2014 06:37

(HNM) - Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 7-4, hôm nay (9-7) hơn 190 triệu cử tri Indonesia tham gia bỏ phiếu bầu chọn vị tổng thống mới cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

Chạy đua vào vị trí lãnh đạo cao nhất ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này có hai ứng cử viên là cựu Thống đốc thành phố Jakarta - ông Joko Widodo và đối thủ là cựu Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Indonesia Prabowo Subianto. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc gia Indonesia (KPU) Husni Kamil Manik cho biết, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử dân chủ lần thứ ba này (sau hai cuộc bỏ phiếu năm 2004 và 2009) đã sẵn sàng trước sự chứng kiến và giám sát của các quan sát viên quốc tế. Theo KPU, trong tổng số hơn 190,30 triệu cử tri có hơn 2,03 triệu cử tri ở nước ngoài đã tiến hành bỏ phiếu bầu chọn tổng thống tại 130 cơ quan đại diện của Indonesia từ ngày 4 đến 6-7. Cử tri trong nước sẽ thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân vào hôm nay (9-7) tại 478.685 điểm bầu cử trên toàn quốc. 

Cựu Thống đốc Jakarta Joko Widodo (trái) và cựu Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Prabowo Subianto.


Nhấn mạnh Indonesia muốn trở thành hình mẫu cho khu vực về bầu cử dân chủ, Chủ tịch KPU Husni Kamil Manik khẳng định, công việc liên quan từ đăng ký tham gia, vận động tranh cử đến tổ chức bầu cử và kiểm phiếu đều được tiến hành công khai dân chủ và minh bạch. Trong cuộc bầu cử tổng thống này KPU đã tổ chức 5 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với 3 cuộc dành cho hai ứng cử viên tổng thống, một cuộc cho hai ứng cử viên liên danh phó tổng thống và một cuộc cho hai cặp ứng cử viên liên danh tổng thống - phó tổng thống.

Cuộc bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo cao nhất lần này có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Người dân đang gây áp lực buộc chính phủ phải cải cách nền chính trị tồn tại suốt 50 năm nay kể từ khi Indonesia trở thành quốc gia dân chủ. Nhiều người coi cuộc tranh cử giữa hai ứng cử viên Joko Widodo và Prabowo Subianto là sự cạnh tranh giữa một bên là cải cách và một bên là giữ nguyên hiện trạng. Ông Joko Widodo đại diện cho phe cải cách còn ông Prabowo Subianto đại diện cho các chính trị gia không muốn có sự thay đổi đối với cơ cấu chính trị của quốc gia Vạn đảo. Giới bình luận quốc tế cho rằng, sau thời kỳ cầm quyền kéo dài ba thập kỷ của cựu Tổng thống Suharto (kết thúc năm 1998), Indonesia đã bắt đầu chuyển mình trên con đường dân chủ. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi, tình trạng tham nhũng cũng nhen nhóm và len lỏi trong tầng lớp chính trị mới. Vì thế, một số bộ phận cử tri lại mong muốn quốc gia hơn 240 triệu dân sẽ quay lại thời kỳ cầm quyền cứng rắn hơn.

Trong một tháng qua, cả hai ứng cử viên tham gia cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống đã có chương trình vận động tranh cử bận rộn khắp đất nước. Những quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề "nóng" từ chính trị, an ninh, đối ngoại tới kinh tế, giáo dục, môi trường… đã được đưa ra. Thế nhưng cho đến thời điểm này chưa thể đoán định ai sẽ chiến thắng bởi nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hai ứng viên là "kẻ tám lạng, người nửa cân". Trong khi cách biệt giữa hai ứng viên rất nhỏ và luôn bị phá vỡ thì vẫn còn từ 10 đến 20% cử tri Indonesia chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Do vậy, để giành chiến thắng trong cuộc đua này, cả hai chính trị gia cần phải chứng tỏ mình là người lãnh đạo gần dân, quan tâm tới dân và sẽ trợ giúp nhiều hơn nữa cho người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là nông dân nghèo.

Theo giới phân tích, dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử này cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giữ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đứng vững, từ việc cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu, đấu tranh chống tham nhũng cho tới việc sửa chữa cơ sở hạ tầng cũ kỹ và đẩy mạnh chi tiêu… Làm thế nào để kiểm soát được nạn tham nhũng, thúc đẩy công bằng xã hội cũng sẽ là nhiệm vụ quan trọng của chính phủ mới. Song song với đó là cải cách nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu trì trệ, nếu không thực hiện những bước đột phá, Indonesia không thể đạt được tốc độ tăng trưởng đáng ngưỡng mộ như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hay giữ nguyên cơ cấu chính trị?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.