Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ, EU tăng cường trừng phạt Nga: Hậu quả khó lường

Phương Quỳnh| 30/07/2014 05:52

(HNM) - Cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài suốt nhiều tháng qua với đỉnh điểm là thảm họa hàng không MH17 trên bầu trời miền Đông đang đẩy quan hệ giữa các bên liên quan lún sâu vào bế tắc nghiêm trọng.


Trong đợt trừng phạt mới nhất vừa được EU phê chuẩn ngày 29-7, các lệnh cấm đã được áp đặt từ tài chính, công nghệ khai thác năng lượng đến việc bán vũ khí của Nga. Đây là lần đầu tiên toàn bộ các ngành này, chứ không phải là từng cá nhân hay công ty lẻ, chịu sự trừng phạt của phương Tây. Bên cạnh đó, EU cũng đã nhất trí áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh với các nhân vật và thực thể thương mại có liên hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị cáo buộc là hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Thương mại và đầu tư với Crimea - bán đảo bị Nga sáp nhập hồi tháng 3 - cũng sẽ bị hạn chế hơn nữa và các sản phẩm có nguồn gốc Crimea có thể bị cấm nhập.

Công nghệ khai thác năng lượng của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU.


Trước EU ít ngày, Mỹ đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mới có phạm vi rất rộng, nhằm vào 2 công ty năng lượng lớn, 2 thể chế tài chính khổng lồ, 8 công ty sản xuất vũ khí và 4 cá nhân. Hai công ty năng lượng lớn bị trừng phạt là Novatek - nhà sản xuất khí tự nhiên độc lập lớn nhất, và Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất và là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ ba của Nga. Hai thể chế tài chính hàng đầu của Nga nằm trong mục tiêu trừng phạt là Ngân hàng Phát triển Vnesheconombank (VEB) và Ngân hàng Gazprombank - công ty con của Tập đoàn Khí đốt Gazprom. Trong danh sách trừng phạt các công ty sản xuất vũ khí Nga nổi lên là Tập đoàn Kalashnikov, mà theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, là bị cấm bán các sản phẩm tại Mỹ.

Mặc dù các mục tiêu mà phương Tây áp đặt trừng phạt được cho là có chọn lọc để gây tác động tối đa với Nga trong khi hạn chế đến mức tối thiểu ảnh hưởng tới các công ty của Mỹ và các nước EU, song theo các chuyên gia kinh tế, Mỹ và EU khó có thể tránh những tác động ngược không mong muốn. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Châu Âu cũng lo ngại vòng trừng phạt mới sẽ làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế vừa lóe và thậm chí có thể đẩy nền kinh tế của một số thành viên EU tới bờ vực suy thoái. Và không loại trừ khả năng bên chịu thiệt hại lớn lại là các công ty quốc tế là đối tác của Nga. Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng, nếu Tập đoàn Năng lượng Nga Rosneft chịu lệnh trừng phạt thì đối tác Exxon Mobil của Mỹ sẽ là nạn nhân khi tham gia một dự án thăm dò dầu khí chung ở Bắc Cực. Tập đoàn Dầu khí BP của Anh cũng sở hữu lượng cổ phần lớn trong Rosneft. Chưa kể một số nước EU phụ thuộc 100% vào nguồn khí đốt của Nga sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi họ không có nhà cung cấp thay thế. Trong số đó, Đức và Italia là hai nước sẽ bị tác động nhiều nhất.

Về lĩnh vực vũ khí, tướng Joseph Dunford, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, cũng cảnh báo rằng cấm giao dịch với nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga có nguy cơ trở thành "thảm họa" với quân đội Mỹ. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, bất chấp sự phản đối từ Mỹ và Anh, Pháp vẫn tiếp tục theo đuổi thương vụ bán hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga trị giá 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD) với lý do hủy bỏ hợp đồng sẽ tác động tiêu cực tới Paris nhiều hơn là Mátxcơva. Trong khi đó, dù phản đối Paris nhưng theo thông báo của Hạ viện Anh, nước này còn tới 251 giấy phép có hiệu lực liên quan tới việc bán cho Nga các mặt hàng có kiểm soát, trị giá ít nhất 132 triệu bảng (225 triệu USD). Do đó, các thiệt hại mà London có thể phải đối mặt sau đòn trừng phạt mới là không nhỏ.

Về phía Nga, ước tính các lệnh trừng phạt mới có thể khiến ngành công nghiệp năng lượng của xứ Bạch dương thiệt hại ít nhất 150-200 tỷ USD và có nguy cơ đẩy nền kinh tế nước này đứng trước bờ vực suy thoái. Trước sự dồn ép của phương Tây nhiều khả năng Nga không loại trừ buộc phải tung ra các biện pháp trả đũa, nhất là khi đang nắm trong tay lá bài quan trọng là năng lượng. Vì vậy, không phải là vô căn cứ khi có luồng dư luận cho rằng, nếu các biện pháp trừng phạt đủ gây thiệt hại cho Nga thì Mỹ và phương Tây ắt cũng phải "sứt đầu, mẻ trán"; càng đẩy tình trạng vốn đang căng thẳng giữa hai bên lên một nấc thang mới, tiềm ẩn những hậu quả khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ, EU tăng cường trừng phạt Nga: Hậu quả khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.