Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ báo cho một cục diện mới

Vân Khanh| 19/09/2014 05:26

(HNM) - Trước khi cuộc cải cách



Nhưng mọi thứ đã bắt đầu thay đổi, hệ thống phòng không, pháo binh, máy bay chiến đấu, vũ khí hạng nhẹ và chống tăng… do Nga sản xuất sẽ xuất hiện tại xứ sở Kim tự tháp theo một hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD.

Trực thăng chiến đấu Nga sẽ xuất hiện trên bầu trời Ai Cập.


Nếu so với khoản viện trợ quân sự hàng năm lên đến 1,3 tỷ USD mà Mỹ đã đều đặn cam kết cho Ai Cập trong hàng thập kỷ, thì thỏa thuận 3,5 tỷ USD vừa đạt được với Nga không to tát. Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng quy mô lớn đầu tiên giữa Cairo và Mátxcơva sau khoảng 30 năm gián đoạn có ý nghĩa quan trọng hơn những con số tài chính được công bố. Nước Mỹ không thể dự liệu sự ra đi của cựu Tổng thống Hosni Mubarak trong cuộc "Cách mạng Hoa sen" năm 2011 đã tạo ra một khoảng trống lỏng lẻo cho mối quan hệ vốn cực kỳ khăng khít giữa Cairo và Washington.

Được biết tới như một đồng minh thân thiết bậc nhất của Mỹ trong thế giới Arab, hợp tác quân sự là trụ cột chính duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ Mỹ - Ai Cập kể từ cuộc chiến tranh Arab - Israel tháng 10-1973 đến khi người bạn thân thiết H.Mubarak phải từ bỏ quyền lực. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Ai Cập có tiếng nói đầy trọng lượng trong thế giới Arab. Vì thế, sự cộng tác đôi bên cùng có lợi đã giúp Mỹ dễ dàng điều tiết các mối quan hệ chính trị phức tạp ở Trung Đông, tạo một bàn đạp quân sự vững chắc ở khu vực; đồng thời duy trì an ninh cho Israel - con cưng của Mỹ trong vòng vây của các quốc gia Hồi giáo lân bang.

Ở chiều ngược lại, sự gần gũi với cường quốc số 1 thế giới cũng đem đến cho Ai Cập nhiều nguồn lợi kinh tế là nền tảng thiết yếu để củng cố vị thế chính trị tại khu vực. Tuy nhiên, sự gắn bó truyền thống này đang ở trong giai đoạn nhạy cảm. Quyết định ngừng viện trợ quân sự cho Ai Cập của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm phản đối cuộc đảo chính lật đổ ông M.Morsi và sự lạnh nhạt với tân chính phủ mới do cựu tướng lĩnh quân sự Fadel Al-Sisi đứng đầu đã lấy đi của Cairo niềm tin vào người đồng hành cũ. Việc cần thiết phải tìm kiếm những người bạn mới và tạo dựng các quan hệ đối tác khác là một chiến lược bắt buộc của Ai Cập. Và Nga trở thành một lựa chọn hợp lý và khôn ngoan.

Thực chất, Ai Cập và Nga chẳng "lạ gì nhau". Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Cairo đã đóng vai trò tiền đồn của Liên bang Xô Viết cũ ở Trung Đông. Vũ khí Nga đổ về đất nước của các Pharaon cùng với những đáp ứng về cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, những thăng trầm của thời đại và bức bách về tài chính đã khiến Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiêu dụ quốc gia Bắc Phi quan trọng này. Do đó, nếu xem các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Ai Cập và Nga là một dấu ấn mới trong mối quan hệ song phương nhiều duyên nợ thì điều cần chú ý là nó đánh dấu sự trở lại của Nga tại vùng đất xưa. Có rất nhiều lý do để sự liên kết mới được thiết lập có thể trở nên gắn bó.

Ngoài việc Ai Cập sở hữu một vị trí "trời cho" mà bất kỳ cường quốc nào cũng thèm muốn, sự kiện Mỹ và Châu Âu "phương Tây hóa" Ukraine, quốc gia sát sườn và nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga được xem là đòn tấn công trực diện vào lợi ích cốt lõi của Mátxcơva. Kế hoạch này thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin có những chiến thuật mới để giành thế chủ động trong cuộc chơi toàn cầu. Giữa lúc đó, Ai Cập đứng ở ngã ba đường trong quan hệ đồng minh với Mỹ, và Nga không bỏ qua thời cơ "vàng". Sự gần gũi với Cairo không những giúp Mátxcơva có cơ hội trả "mối thù" năm xưa mà còn là con đường dẫn thẳng đến khu vực Trung Đông hiện vẫn đang nắm giữ lợi ích lâu dài của Mỹ.

Vẫn còn quá sớm để biết được liệu Nga có thể "lấy lại những gì đã mất" hay không vì Mỹ vẫn đang cân nhắc một sự điều chỉnh chính sách với Ai Cập. Nhưng rõ ràng là Cairo và Mátxcơva đang có những bước đi hiệu quả để tiến về phía nhau. Một liên minh mới nếu được hình thành sẽ là kết quả của cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn và cũng là chỉ báo cho quá trình định hình một cục diện quốc tế hoàn toàn khác biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ báo cho một cục diện mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.