Theo dõi Báo Hànộimới trên

Scotland ở lại với nước Anh: Có lợi cho cả hai bên

Quỳnh Dương| 20/09/2014 05:49

(HNM) - Như vậy, nguy cơ xứ sở Sương mù phải vẽ lại bản đồ khiến cả Châu Âu lo ngại đã được loại bỏ. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đặt dấu mốc lịch sử cho những thay đổi lớn tại Scotland trong thời gian tới.



Như vậy, nguy cơ xứ sở Sương mù phải vẽ lại bản đồ khiến cả Châu Âu lo ngại đã được loại bỏ. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đặt dấu mốc lịch sử cho những thay đổi lớn tại Scotland trong thời gian tới.

Cử tri bày tỏ niềm vui khi Scotland ở lại nước Anh.


Trong cuộc trưng cầu dân ý thu hút tới 86% người dân đi bỏ phiếu, phần lớn người dân Scotland ở 24 tỉnh đã nói "không" với độc lập, trong đó có thủ phủ Edinburgh với 61% phản đối việc tách ra. Thành phố lớn nhất Scotland có phần lớn cư dân ủng hộ việc rời khỏi Vương quốc Anh là Glasgow. Việc đa số người dân Scotland lựa chọn ở lại với nước Anh đã cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của Thủ tướng David Cameron và các trợ thủ. 48 giờ trước cuộc trưng cầu dân ý, lãnh đạo cả 3 chính đảng lớn ở Anh là Thủ tướng D.Cameron (đảng Bảo thủ), Thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband và Phó Thủ tướng Nick Clegg thuộc đảng Dân chủ tự do (LibDem) đã cùng ký vào một lá thư trao quyền tối đa cho Nghị viện Scotland cũng như cam kết thực hiện những chính sách để bảo đảm việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi công bằng hơn giữa 4 xứ làm nên Vương quốc thống nhất (UK) gồm England, Wales, Scotland và Bắc Ireland. Cam kết này cũng như những bài phát biểu xúc cảm mà Thủ tướng D.Cameron trước những đám đông người dân Scotland trong hai chuyến thăm vào hai tuần liên tiếp đã thuyết phục một tỷ lệ khá cao cử tri còn lưỡng lự từ chối độc lập vì lá phiếu của họ có thể quyết định kết quả cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử này.

Bên cạnh đó, những lý do kinh tế cũng khiến cử tri Scotland cân nhắc lại quyết định bỏ phiếu của mình. Giới kinh doanh bán lẻ đưa ra những cảnh báo về khả năng hàng hóa tăng giá. Nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), hãng bảo hiểm khổng lồ Standard Life, Tập đoàn Ngân hàng Lloyds... cũng công bố kế hoạch di chuyển để bảo đảm họ vẫn là một phần của hệ thống thuế và tiền tệ nước Anh trong trường hợp Scotland độc lập. Những yếu tố này đã tác động đến tâm lý của nhiều cử tri. Bên cạnh niềm tự hào dân tộc thì điều quan trọng mà tất cả người Scotland mong muốn là chất lượng cuộc sống được cải thiện và hệ thống an sinh xã hội được bảo đảm chứ không phải độc lập đi liền với mất việc làm và giá cả tăng cao.

Nhìn nhận một cách khách quan, ở lại với Vương quốc Anh cũng không phải là quyết định đáng buồn đối với những cử tri mong muốn độc lập, vì cuộc trưng cầu dân ý đã mở ra cho Scotland một giai đoạn mới với nhiều thay đổi lớn. Bởi lẽ, chính quyền Anh đã đưa ra một loạt cam kết về việc sẽ chuyển giao thêm quyền lực cho Edinburgh. Cụ thể là việc cho phép Scotland kiểm soát nhiều hơn về tài chính, phúc lợi xã hội và thuế, cũng như hầu hết các vấn đề quốc phòng và đối ngoại. Ngày 19-9, phát biểu sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, Thủ tướng Anh D.Cameron một lần nữa khẳng định, đảng Dân tộc Scotland (SNP) sẽ cùng đàm phán về việc chuyển giao thêm quyền lực cho Scotland.

Quan trọng hơn, việc Scotland ở lại Anh sẽ là sự lựa chọn có lợi cho cả hai bên. Được tái thành lập năm 1999, Nghị viện Scotland có thể tự quyết những vấn đề mang tính chất địa phương như y tế, giáo dục và giao thông; đồng thời, vùng đất nhỏ bé với 5 triệu dân này đã và sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi là một phần của một nền kinh tế lớn hơn. Scotland có thể dễ dàng giao thương với các phần còn lại của Vương quốc Anh cũng như tiếp cận với nhiều việc làm; được quân đội Anh bảo vệ và có tiếng nói trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Vậy là vận mệnh của nước Anh đã không thay đổi dù phải đối mặt với thử thách rất lớn trong lịch sử. Công việc phải làm của các nhà lãnh đạo quốc đảo trong thời gian tới là thống nhất lòng dân để cùng phát triển như Thủ tướng D.Cameron đã nhấn mạnh ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố: "Giờ là lúc Vương quốc Anh của chúng ta đoàn kết với nhau và tiến lên phía trước".

Dư luận quốc tế hoan nghênh Scotland lựa chọn ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh

Hầu hết các thể chế và thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đều hoan nghênh quyết định của người dân Scotland bác bỏ kế hoạch độc lập của vùng đất phương Bắc Liên hiệp Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ngày 18-9. Trong thông báo đưa ra ngày 19-9, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã đánh giá cao lựa chọn đúng đắn của cử tri Scotland duy trì thống nhất cho Vương quốc Anh, nhấn mạnh kết quả này đặc biệt có ý nghĩa và giúp thúc đẩy một EU đoàn kết, cởi mở và phát triển mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Martin Schulz cũng khẳng định mong muốn về một Liên hiệp Vương quốc Anh tồn tại trong một Châu Âu đoàn kết thống nhất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Scotland ở lại với nước Anh: Có lợi cho cả hai bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.