Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bê bối Petrobras: Cơn sốc chính trường

Kim Phượng| 20/09/2014 06:59

(HNM) - Cuộc đua tranh cử tổng thống vào tháng 10 tới của Brazil đang bị chấn động bởi một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến tập đoàn dầu quốc doanh Petrobras.

Bê bối tham nhũng của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras đang đe dọa khả năng tái đắc cử Tổng thống Brazil D.Rousseff.


Vụ việc đã gây sóng gió trên chính trường Brazil sau vụ nguyên Giám đốc Petrobras Paulo Roberto Costa bị bắt hồi tháng 3-2013 và tiết lộ danh sách khoảng 40 chính trị gia hàng đầu đã nhận tiền "lại quả" từ các thỏa thuận dầu khí. Trong số 4 quan chức chính phủ và hơn 30 nhà lập pháp bị nghi ngờ có cựu thống đốc đồng thời là ứng cử viên tổng thống Eduardo Campos (người vừa qua đời trong một tai nạn máy bay hồi tháng 8 vừa qua), Bộ trưởng Năng lượng và quặng mỏ Edison Lobao, Chủ tịch Hạ viện Henrique Eduardo Alves và Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros.

Những chính trị gia có liên quan bị cáo buộc đã nhận tiền hoa hồng trị giá 3% hợp đồng mà Công ty Petrobras ký với các bên thứ ba trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2012 như là công cụ trao đổi duy trì sự hậu thuẫn chính trị giữa các bên. Điều này có nghĩa, vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras kéo dài trong suốt khoảng thời gian bà Dilma Rousseff giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrobras, cũng như trong 2 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của bà.

Trước những cáo buộc trên, Tổng thống Brazil D.Rousseff khẳng định, chính phủ đương nhiệm không liên quan đến vụ bê bối tham nhũng của Petrobras. Trong khi Chủ tịch Hạ viện Alves phủ nhận lời khai của Costa thì Bộ trưởng Lobao và Chủ tịch Thượng viện Renan xin "miễn bình luận" còn giới chức Petrobras chưa có ý kiến.

Dẫu vậy, trong cuộc thăm dò mới đây, nữ tổng thống đương nhiệm đang dần lấy lại sự ủng hộ của các cử tri, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, các nhà phân tích cho rằng, những lời thú nhận của Paulo Roberto Costa như một quả tạ giáng xuống Đảng Lao động cầm quyền của bà D.Rousseff. Thậm chí, nhiều khả năng trong các cuộc thăm dò tới, vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn Petrobras sẽ có tác động không nhỏ đến uy tín của nữ tổng thống đương nhiệm và bộ máy chính quyền hiện hành trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong suy thoái này.

Cũng trong đầu tháng 9, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của Brazil từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do nền kinh tế tăng trưởng yếu kém và tình trạng nợ công tồi tệ.

Trong tuyên bố của mình, Moody's dự đoán nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới sẽ phải mất nhiều thời gian để phục hồi đi kèm với sự sụt giảm lòng tin nghiêm trọng của các nhà đầu tư. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil trong năm nay chỉ tăng chưa tới 1%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009 và dự kiến sẽ giảm 2% trong năm 2015.

Theo nghiên cứu mới của Tổ chức Global Financial Integrity (GFI - Mỹ), tham nhũng ở Brazil ngày càng nghiêm trọng với hơn 30 tỷ USD tiền bẩn liên quan đến tội phạm, tham nhũng và hành vi trốn thuế đang chảy khỏi Brazil mỗi năm, tăng gấp đôi so với thập kỷ trước. GFI cho rằng, con số thất thoát có thể còn lớn hơn nhiều vì họ chưa tính đến nạn buôn lậu tiền mặt, hoạt động chuyển tiền giữa các tập đoàn đa quốc gia…

Trước quyết định trên, giới quan sát nhận định, việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Brazil phản ánh sự thất bại trong chính sách kinh tế vĩ mô của nước này trong bối cảnh lạm phát tăng cao, tăng trưởng thấp và không có nhiều dấu hiệu phục hồi. Chủ tịch GFI Raymond Baker nhận định: "Brazil đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng khi để gia tăng tình trạng sai phạm tài chính. Việc chấn chỉnh lại lĩnh vực tài chính cần được coi như một ưu tiên hàng đầu nhằm giành được chiến thắng trong những kỳ bầu cử sắp tới".

Rõ ràng, khi thời điểm cuộc chạy đua nước rút giữa bà D.Rousseff và đối thủ Marina Silva chỉ còn tính bằng ngày, những tiết lộ trên đang đặt ra nhiều thách thức trong nỗ lực tái đắc cử của nữ tổng thống đương nhiệm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bê bối Petrobras: Cơn sốc chính trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.