Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất ổn an ninh đè nặng kinh tế toàn cầu

Đình Hiệp| 22/09/2014 05:50

(HNM) - Một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Nga xung quanh cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, cuộc chiến nhiều cam go của liên minh quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Châu Á…

Do vậy, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 diễn ra trong hai ngày cuối tuần tại Cairns, bang Queensland của Australia không gì khác hơn là việc kiếm tìm ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm trong bối cảnh phức tạp của nền chính trị thế giới.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm là trọng tâm ưu tiên của Hội nghị Bộ trưởng G20 tại Australia lần này.


Là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại Brisbane (Australia) vào tháng 11 tới, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra ý kiến về gói chính sách nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng là nâng tổng GDP của G20 thêm 2% trong 5 năm tới (tạo thêm 2.000 tỷ USD) và tạo mới 20.000 việc làm. Theo đó, các nền kinh tế G20 - hiện chiếm khoảng 85% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và 2/3 dân số thế giới - sẽ phát triển các chính sách tham vọng nhưng thực tiễn để nâng GDP của nhóm tăng liên tục trong những năm tới. G20 xem đây là một phần của các biện pháp nhằm duy trì tính bền vững hệ thống tiền tệ và sự ổn định của ngành tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu nâng tổng GDP của G20 thêm 2% trong 5 năm tới đang trở nên khó khăn trong bối cảnh an ninh toàn cầu ngày một phức tạp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng, căng thẳng chính trị, chấp nhận rủi ro quá mức cộng với tham nhũng là các nguy cơ mới đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị G20 tại Cairns lần này, IMF chỉ ra rằng mặc dù tốc độ phục hồi đã tương đối ổn định nhưng các khó khăn kinh tế và nguy cơ vẫn đang hiện diện tại Mỹ, khu vực đồng euro, Trung Quốc, Nga cũng như một số nền kinh tế chủ chốt trong nhóm G20. Thực trạng này có thể khiến tăng trưởng GDP thế giới không thể đạt mức 3,6% như dự báo công bố hồi tháng 4 vừa qua.

Cùng với những nhận định không mấy lạc quan của IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng việc làm trên toàn cầu, vốn cản trở những cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và không có "phép màu" nào có thể giúp giải quyết vấn đề này. Trong báo cáo đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và việc làm G20 diễn ra ở Australia mới đây, WB cho biết các nước trên thế giới cần phải tạo thêm 600 triệu việc làm mới (đến năm 2030), để đáp ứng với sự tăng trưởng dân số toàn cầu. Theo Giám đốc phụ trách vấn đề việc làm của WB Nigel Twose, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng việc làm và thiếu các công việc tay nghề cao. Báo cáo dẫn số liệu của Tổ chức Hợp tác - Phát triển và Tổ chức Lao động thế giới cho biết, có khoảng 100 triệu người đang thất nghiệp tại các nước G20. Trong khi, 447 triệu người là lao động thu nhập thấp với mức sống dưới 2 USD/ngày.

Những gì đang diễn ra cho thấy các nguy cơ mới với tăng trưởng kinh tế toàn cầu không hề nhỏ. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, các nước G20 cần đưa ra những hành động mới như: Giải quyết bất đồng trong chính sách, linh hoạt trong tỷ lệ lãi suất, tăng cường tiềm năng phát triển… để tạo ra sự tác động tích cực giữa các nền kinh tế cũng như nền kinh tế thế giới. Ngay trước thềm hội nghị tại Australia lần này, IMF đã hối thúc Nhóm G20 triển khai các bước đi mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị phủ bóng bởi những bất ổn an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn an ninh đè nặng kinh tế toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.