Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề điều dưỡng viên, hộ lý tại Nhật Bản: Khắt khe nhưng đầy tiềm năng

Kim Vũ| 21/10/2014 07:01

(HNM) - Nhật Bản đang có nhu cầu lớn về sử dụng lao động Việt Nam (LĐVN) đặc biệt là điều dưỡng viên, hộ lý. Năm 2014, mỗi tháng có hơn 1.000 thực tập sinh được cung ứng sang nước này, tăng tới 70% so với năm 2013. Đó là khẳng định của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Cục QLLĐNN).

Đào tạo điều dưỡng viên.



Thị trường cung ứng và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc phát triển đột biến trong năm 2014. Các ngành nghề cũng đa dạng hơn từ chỗ chỉ tiếp nhận lao động thuộc các ngành nghề kĩ thuật, cơ khí thì nay đã mở rộng thêm một số ngành như: nông nghiệp, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất... Đặc biệt, từ hai năm nay, Việt Nam chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản. Theo quy định, khi được chọn sang Nhật vừa học vừa làm (3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và 4 năm với ứng viên hộ lý, mỗi năm gia hạn một lần, các ứng viên phải dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý, sau đó mới được phép ở lại làm việc dài hạn với mức lương là 2.000-3.000 USD/tháng trở lên (tương đương 40-60 triệu đồng/tháng). Công việc chủ yếu là chăm sóc người bệnh như: cho ăn, vận chuyển bệnh nhân, chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm, các loại đơn, phiếu; tiếp nhận thuốc; làm vệ sinh phòng bệnh, dụng cụ y tế, vệ sinh dụng cụ vệ sinh, tiêu độc, dọn dẹp; quan sát tình trạng tinh thần, sức khỏe của người già, người bệnh; hỗ trợ duy trì và mở rộng quan hệ xã hội (hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí, phục hồi chức năng...).

Cục QLLĐNN là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng ký và triển khai chương trình cùng với đầu mối phía Nhật Bản. Vì vậy, Cục QLLĐNN khuyến cáo NLĐ cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Cục theo số điện thoại 04-3824-9517 (số máy lẻ 511, 513) hoặc truy cập trang web:www.dolab.gov.vn).
Chương trình tuyển dụng đợt 3 năm 2014 sẽ chọn 183 ứng viên điều dưỡng, hộ lý. Ứng viên đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Địa chỉ: Số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời gian:
Từ ngày 16 đến ngày 31-10-2014 (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ).

Các tiêu chuẩn đối với hộ lý viên là phải có bằng cao đẳng điều dưỡng đa khoa (hệ 3 năm) hoặc đại học điều dưỡng đa khoa (hệ 4 năm), không quá 35 tuổi, sức khỏe tốt... Với điều dưỡng viên, quy định khắt khe hơn: Ngoài những tiêu chí trên phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng; tiếng Nhật cấp độ N3. Mức lương cho giai đoạn thực tập với điều dưỡng là 130.000 - 140.000 yên/tháng (tương đương 26-28 triệu đồng/tháng); với hộ lý là 140.000 - 150.000 yên/tháng (tương đương 28-30 triệu đồng/tháng).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định, việc đưa LĐ sang làm việc tại Nhật Bản là cơ hội lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế. Đó cũng là một kênh để giải quyết việc làm cho NLĐ nâng cao thu nhập. Cục QLLĐNN cũng cho biết, sau khi Chính phủ Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác lao động lĩnh vực y tế với Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang thị trường này.

Nhật Bản là một trong số nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, thường xuyên thiếu hụt khoảng 50.000 điều dưỡng viên mỗi năm. Ước tính, trong vòng 10 năm tới Nhật Bản sẽ cần khoảng 600.000 hộ lý chăm sóc người cao tuổi. Vì vậy, Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn trong việc tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý sang nước này làm việc. Và cơ hội sẽ là rộng mở đối với LĐVN.

Song, Cục QLLĐNN cũng cho biết luật pháp của Nhật Bản rất nghiêm khắc trong việc cấp chứng chỉ quốc gia cho NLĐ nước ngoài. Vì thế, ứng viên cần phải nỗ lực trong công việc và học tập. Nếu ốm đau hay lý do bất khả kháng phải xin nghỉ phép. Tết Âm lịch chỉ được nghỉ 1 tuần... Đây cũng là thách thức với NLĐ khi làm việc tại Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề điều dưỡng viên, hộ lý tại Nhật Bản: Khắt khe nhưng đầy tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.