Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thổ Nhĩ Kỳ: Tiến thoái lưỡng nan

Phương Quỳnh| 24/10/2014 06:15

(HNM) - Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu sức ép rất lớn từ cả trong nước lẫn ở nước ngoài về yêu cầu phải có vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Lần đầu tiên sau 20 năm, Thổ Nhĩ Kỳ phải ban hành lệnh giới nghiêm ở 6 tỉnh Đông nam có đa số dân là người Kurd.


Ankara cũng tính đến khả năng ban hành một luật mới nhằm siết chặt an ninh sau các cuộc biểu tình tại khu vực này khiến hàng chục người chết. Diễn biến mới nhất cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang kẹt trong thế "tiến thoái lưỡng nan".

Theo nguồn tin mới nhất từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 40 người đã thiệt mạng tại khu vực Đông nam khi những người Kurd xuống đường biểu tình để phản đối chính phủ không can thiệp quân sự nhằm chống lại IS tại thành phố Kobani (Syria) có đông người Kurd sinh sống vốn đang bị các tay súng IS bao vây hơn 1 tháng nay. Cơn thịnh nộ của cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng khi phải chứng kiến những người anh em phía bên kia biên giới đang phải chiến đấu trong vô vọng với quân IS tàn bạo. Những cuộc không kích hỗ trợ của Mỹ vào ngôi làng giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ suốt thời gian qua không giúp thay đổi tình hình đáng kể. Trong khi đó, Ankara vẫn giữ nguyên lập trường là chỉ can thiệp quân sự tại Syria nếu như đó là một thỏa thuận quốc tế.

Những cuộc biểu tình của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ đã biến thành bạo động.



Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hạn chế trong việc tham gia liên minh quân sự quốc tế chống lại IS, một phần vì bản thân nước này cũng đang phải đối mặt với phong trào đòi ly khai của người Kurd trong suốt hàng chục năm qua. Ankara lo ngại, một hành động quân sự tại Syria sẽ tạo cơ hội gia tăng vị thế cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) mới chỉ vừa đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình khó khăn sau gần 30 năm đối đầu với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, tham gia liên quân chống IS đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng chung hàng ngũ với lực lượng người Kurd. Chính vì vậy, quyết định mới đây nhất của Ankara mới chỉ dừng lại ở mức sẽ giúp đỡ các chiến binh người Kurd ở Iraq qua biên giới vào Syria để hỗ trợ chống lại các phiến quân IS ở Kobani.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, các cuộc không kích của Mỹ chỉ có thể làm suy yếu IS chứ không thể tiêu diệt được nhóm khủng bố. Các lực lượng người Kurd sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại không thể tránh khỏi tại Kobani nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tích cực tham chiến chống lại lực lượng IS tại khu vực biên giới. Điều này nếu xảy ra đồng nghĩa với việc IS sẽ nắm quyền kiểm soát một khu vực trải dài 500km dọc tuyến biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Đến lúc đó chính an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đe dọa.

Không chỉ đối mặt với những nguy cơ từ an ninh biên giới, sự thất thủ của Kobani nhiều khả năng sẽ là nguyên nhân cho những căng thẳng mới giữa PKK và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng chứng là, mới đây, các thủ lĩnh người Kurd ở khu vực Đông nam đã cảnh báo, tiến trình hòa bình đã được xúc tiến nhằm chấm dứt chính thức cuộc nổi dậy đòi tự trị của người Kurd bên trong Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 30 năm qua sẽ lâm nguy nếu các phần tử thánh chiến chiếm được Kobani. Căng thẳng càng gia tăng khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trình lên Quốc hội dự luật liên quan tới việc siết chặt an ninh sau các cuộc biểu tình. Theo dự luật này, những người tham gia biểu tình bạo lực sẽ phải đối mặt với án tù lâu hơn và những người có mặt tại cuộc biểu tình sẽ được xem như là "tội phạm tiềm năng". Cảnh sát sẽ được quyền giam giữ nghi phạm trong vòng 24 giờ. Theo quan điểm của Ankara, luật mới là cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, văn bản này sẽ khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với cộng đồng người Kurd ở nước này.

Sau những bất ổn liên quan đến các vấn đề chính trị trong nước, quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu lại đang đối diện với những nguy cơ mới bắt nguồn từ những mối đe dọa từ bên ngoài. Việc phải cân đối, hài hòa các lợi ích đang là một bài toán đau đầu đối với chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Song chắc chắn những thách thức an ninh từ IS lẫn sức ép từ trong nước sẽ khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc tới việc có những động thái tích cực hơn trong cuộc chiến chống lại cơn ác mộng IS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổ Nhĩ Kỳ: Tiến thoái lưỡng nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.