Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh EU: Những đồng thuận quan trọng

Quỳnh Chi| 25/10/2014 07:19

(HNM) - Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) lại tề tựu tại Thủ đô Brussels của Bỉ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trong hai ngày 23 và 24-10. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh những bất ổn tại Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu, mối quan hệ EU - Nga vẫn còn nhiều căng thẳng.

Các lãnh đạo EU đã đạt những đồng thuận quan trọng tại hội nghị lần này.



Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này, các nhà lãnh đạo Cựu lục địa cũng đạt được một số cam kết mới nhằm chung sức chặn đà lây lan của Ebola. Trước đó, một số tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống cơn dịch nguy hiểm được phát đi như thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng chống Ebola VSV-ZEBOV cho kết quả khả quan; người bị lây nhiễm đầu tiên ngoài vùng Châu Phi đã được chữa khỏi. Đáng chú ý trong chương trình chung sức ngăn chặn Ebola của hội nghị là việc chỉ định ông Christos Stylianides, người Síp, làm điều phối viên cuộc chiến của EU chống lại căn bệnh chết người. Đây được coi là phương thức tốt nhất phối hợp nỗ lực của các nước EU gồm tài chính, nhân viên y tế và các phương tiện cùng các nghiên cứu, nếu dịch bệnh cần phải bị kiềm chế và kiểm soát. Bên cạnh đó, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng thông báo giải ngân 24,4 triệu euro nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu về dịch Ebola. Như vậy, tổng hỗ trợ của EC nhằm chống dịch này đã lên đến 204,4 triệu euro. Nguồn hỗ trợ này sẽ được chia cho 5 dự án nghiên cứu về Ebola nhằm thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng một vắc xin có khả năng miễn nhiễm với virus Ebola.

Ngày 24-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo dịch Ebola vẫn trong tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn cầu khi ngày càng gây ảnh hưởng nặng nề hơn tại các quốc gia Tây Phi gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea. Số liệu mới nhất do WHO công bố cho thấy số người thiệt mạng do virus vẫn tăng mạnh, hiện đã lên tới 4.900 người trong tổng số 9.936 trường hợp nhiễm bệnh. Tổ chức này cũng cảnh báo số người nhiễm có thể tăng lên 10.000 ca/tuần vào đầu tháng 12 tới nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp hiệu quả và kịp thời để dập dịch.

Hội nghị cũng được coi là dấu mốc lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi các nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận cắt giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong 28 quốc gia thuộc khối này ít nhất 40% (so với năm 1990) vào năm 2030, tăng nguồn nhiên liệu xanh lên 27% trong tổng năng lượng sử dụng, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng lên 30%. Sở dĩ thỏa thuận này được coi là bước đột phá vì ngay trước cuộc gặp gỡ, các nước thành viên EU còn chia rẽ sâu sắc về chi phí xung quanh mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo. Một số quốc gia Đông Âu vốn có nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch không ủng hộ, trong khi một số nước khác lập luận rằng năng lượng xanh là cần thiết để hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt. Với thỏa thuận đã đạt được, EU sẽ là khối kinh tế lớn đầu tiên thiết lập mục tiêu giảm khí thải cho năm 2030, tạo bước đệm cho hội nghị về năng lượng với các cường quốc công nghiệp khác trên thế giới sẽ diễn ra tại Thủ đô Paris của Pháp vào năm 2015.

Dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế thời gian qua, nhưng EU vẫn là một liên minh chính trị và thương mại mạnh trên thế giới với tiếng nói có trọng lượng cũng như vai trò đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu. Những kết quả khả quan đạt được tại hội nghị mới nhất cho thấy, EU đã tìm thấy đồng thuận ở những vấn đề "nóng" và mang tính chiến lược lâu dài. Đây cũng là cái kết "có hậu" cho nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Châu Âu của ông Herman Van Rompuy và là đòn bẩy tích cực về mặt tinh thần cho thế hệ lãnh đạo mới của EU sẽ nhậm chức từ đầu tháng 11 này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh EU: Những đồng thuận quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.