Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Sự bế tắc về giải pháp

Đình Hiệp| 22/11/2014 07:13

(HNM) - Triều Tiên sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét tiến hành một vụ thử hạt nhân mới nhằm đáp trả việc Liên hợp quốc (LHQ) sẽ mở cuộc điều tra đối với hồ sơ nhân quyền của nước này.


Triều Tiên cũng tiếp tục gia tăng khả năng răn đe quân sự lên mức không hạn chế để bảo vệ đất nước. Lời tuyên bố vừa được phát đi từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ 48 giờ sau khi Ủy ban Nhân quyền của LHQ thông qua một nghị quyết đề nghị đưa Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự quốc tế do vi phạm nhân quyền đang khiến bán đảo Triều Tiên "tăng nhiệt".

Hình ảnh vệ tinh cho thấy có thể Triều Tiên đang tăng cường hoạt động cho một cơ sở sản xuất



Kịch liệt phản đối nghị quyết trên của Ủy ban Nhân quyền LHQ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định văn bản này là do Mỹ thao túng nhằm mục đích lật đổ chế độ Triều Tiên. Cho rằng nghị quyết không phản ánh đúng tình hình khách quan khi chỉ dựa trên những báo cáo được thu thập từ những phần tử chống phá Nhà nước Triều Tiên, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác cũng như đối thoại với thế giới về vấn đề này.

Lời đe dọa sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những hình ảnh vệ tinh ghi nhận được những hoạt động tại một nhà máy thuộc tổ hợp hạt nhân Yongbyon của nước này. Các hình ảnh vệ tinh này cho thấy, Bình Nhưỡng có thể đang tăng cường hoạt động cho một cơ sở sản xuất plutoni ở cấp độ dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử. Dù còn quá sớm để có thể khẳng định sự liên quan giữa những hình ảnh và một vụ thử hạt nhân mới, song một số chuyên gia cho rằng, việc lò phản ứng tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon đóng cửa trong 10 tuần - lâu hơn nhiều so với thời gian cần thiết để sửa chữa định kỳ - có thể cho phép người ta lấy ra "một số lượng hạn chế" các thanh nhiên liệu có khả năng tái sử dụng.

Từng bị bỏ hoang từ năm 2007 theo một hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ, song vào giữa năm 2013 lò phản ứng công suất 5mW tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon đã được Bình Nhưỡng tiến hành sửa chữa và nâng cấp. Một số chuyên gia lo ngại nếu được hoạt động trở lại, tổ hợp này có thể tạo ra khoảng 6kg plutoni mỗi năm - đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử. Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Triều Tiên về khả năng sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân mới khiến dư luận không khỏi quan ngại, đặc biệt với các nước liên quan trong tiến trình đàm phán 6 bên. Cảnh báo Triều Tiên không nên có thêm bất cứ hành động khiêu khích nào, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il cho rằng, nếu vụ thử hạt nhân mới được tiến hành, đây sẽ là "sự vi phạm trắng trợn" nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt chống Triều Tiên sau khi nước này đã tiến hành các vụ thử hạt nhân trước đó.

Ngày 21-11, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật gần đường hải giới liên Triều căng thẳng trên Biển Hoàng Hải để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Cuộc tập trận kéo dài hai giờ là một phần của cuộc tập trận Hoguk (quốc phòng) đang diễn ra, được khởi động từ tuần trước với sự tham gia của khoảng 330.000 binh sĩ.

Cùng với những căng thẳng trong quan hệ liên Triều thời gian qua sau khi binh sĩ hai nước đấu súng qua đường biên giới trên bộ, nghị quyết mới của LHQ đang đặt Bình Nhưỡng đứng trước nhiều áp lực. Với sự phản đối quyết liệt của Nga và Trung Quốc - hai Ủy viên thường trực quan trọng của Hội đồng Bảo an LHQ - việc đưa Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự quốc tế xem ra khó có thể trở thành hiện thực. Thế nhưng nó đang tạo nên bầu khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng thường kiên quyết chống lại các chính sách cứng rắn của Mỹ nhằm vào nước này.

Dẫu vậy, căng thẳng mới phát sinh cũng không có nghĩa là mọi kênh đối thoại đã hoàn toàn bị "đóng sập". Theo Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lim Byeong-cheol, lập trường của nước này là cánh cửa dẫn đến đàm phán liên Triều vẫn để ngỏ, nếu Triều Tiên có thái độ chân thành đối với cuộc đối thoại. Phát biểu với báo giới ngày 20-11 sau cuộc gặp ông Choe Ryong Hae - đang ở thăm Nga với tư cách đặc phái viên của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo, Triều Tiên sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên mà không kèm theo điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, các thông tin truyền thông gần đây liên quan đến hoạt động của tổ hợp phản ứng hạt nhân Yongbyon cần được xác minh và nhóm làm việc về các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên cần hoạt động trở lại để tất cả các bên liên quan có thể thảo luận rõ ràng.

Có vẻ như mọi việc vẫn chưa diễn biến theo hướng tồi tệ nhất nhưng những động thái vừa qua cho thấy, một điều đáng suy nghĩ là dường như các bên liên quan vẫn đang bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp thực sự cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Sự bế tắc về giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.