Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn bão bất ngờ

Vân Khanh| 21/12/2014 04:03

(HNM) - Chưa khi nào trong suốt 6 năm qua, các thị trường hàng hóa thế giới lại chứng kiến một cuộc tháo chạy mạnh mẽ như đang diễn ra.

Từ hạt ngô cho đến từng ounce vàng đều trong tình trạng "nháo nhác" mất giá.

Biến động không ngờ của tất cả các mặt hàng đều xuất phát từ một nguyên nhân: Sự lao dốc của giá dầu. Chỉ tính từ tháng 6 đến nay, mỗi thùng dầu thô đã "bay hơi" mất 45% giá trị.

Kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn vì giá dầu xuống thấp.


Cú đảo chiều ngoạn mục trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua khi giá dầu đột ngột tăng 2,41 USD lên 56,52 USD/thùng đã chưa thể nhấc vàng đen khỏi đáy của hơn 5 năm qua, kể từ tháng 5-2009. Các nhà đầu tư chưa tìm được thông tin nào để khôi phục niềm tin vào giá dầu giữa lúc sự hồi phục của kinh tế thế giới còn mong manh, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây không lắng dịu và một nguồn cung ở mức dư thừa khi sản lượng khai thác của Mỹ đang cao nhất trong 3 thập kỷ qua và các thành viên chủ chốt trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chưa hề có ý định cắt giảm sản lượng. Vấn đề là giá dầu thấp sẽ đánh tụt chi phí sản xuất nhiều mặt hàng do giá các nhiên liệu tương ứng đều thấp đi. Đơn cử chỉ từ cuối tháng 6 đến nay, giá xăng tại Mỹ đã giảm 32% trong khi chỉ số giá của 22 hàng hóa đã mất 13% giá trị, hướng tới năm giảm thứ tư liên tiếp và là chuỗi ngày giảm lâu nhất kể từ năm 1991.

Theo FAO, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Thực trạng này sẽ dẫn tới một xu hướng là cung ứng hàng hóa sẽ tăng lên do các quốc gia sản xuất phải lấy số lượng bù lại nguồn thu đã mất vì "mất giá". Vậy là, sau nhiều năm bằng mọi cách đối phó với tình trạng lạm phát thì giờ đây, giảm phát mới là phép tính khó đặt ra cho nhiều quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc vàng sẽ không còn là "địa chỉ đỏ" cho các nhà đầu tư “trú ẩn” để bảo toàn đồng vốn và các chuyên gia kinh tế cho rằng giá vàng có thể sẽ tụt xuống 1.100 USD/ounce trong năm tới, thay vì dao động quanh ngưỡng 1.200 USD/ounce của năm nay.

Như vậy để thấy được mức độ tác động của giá dầu đối với các thị trường toàn cầu và không quá lời nếu nói rằng việc dầu thô liên tiếp thủng đáy của nhiều năm đang định hình một mặt bằng giá cả mới cũng như một bản đồ kinh tế thế giới có nhiều thay đổi. Trong đó, các quốc gia mà nguồn thu phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ nhiều khả năng sẽ "lĩnh đủ" từ đợt siêu giảm giá này. Một cuộc khủng hoảng ngân sách và tiền tệ dường như đang chờ sẵn nếu như những "vựa dầu" này không kịp thời triển khai một phương án B cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, lý thuyết là thế nhưng thực tế lại không dễ dàng gì. Nước Nga là một ví dụ điển hình cho thấy sức ảnh hưởng ghê gớm của giá dầu thấp tới đời sống kinh tế, xã hội. Là một trong hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới bên cạnh Saudi Arabia, ngân khố được xây dựng khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng của Nga đang bị tác động dữ dội lúc mỗi thùng dầu chỉ bán được với giá hơn một nửa.

Tổng thống Vladimir Putin đã thừa nhận kinh tế Nga đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2000 và chuẩn bị tâm lý cho điều tồi tệ hơn khi dầu thô chỉ giao dịch ở 40 USD/thùng. Nhưng như thế không đủ để giải quyết việc đồng rouble rớt giá như hậu quả của thâm hụt ngân sách. Một chiến dịch cứu đồng nội tệ đã mất tới 49% giá trị đã được gấp rút triển khai, từ nới lỏng các quy định tài chính để hạn chế sử dụng USD đến tăng lãi suất cơ bản lên 17% - cao nhất trong 15 năm qua. Cuộc chiến chống lạm phát là cực kỳ nan giản khi GDP của Nga dự báo sẽ giảm 4,5% năm 2015 trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây đã đóng lại nhiều cánh cửa với xứ sở Bạch dương.

Do sự trùng hợp đặc biệt này mà ngay khi dầu thô tụt dốc với tốc độ chóng mặt, đã có những sự liên đới giữa việc giá dầu giảm với những căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, xem đây như một cú đòn kinh tế sâu cay đối với Mátxcơva. Sự việc trở nên ồn ào hơn sau khi Saudi Arabia đóng góp đáng kể cho đợt điều chỉnh của giá dầu vì kiên quyết nói không với đề nghị cắt bớt nguồn cung ra thị trường. Không có mối "thâm thù" với nước Nga nhưng chính phủ hoàng tộc Saudi Arabia lại không ưa gì Iran. Do đó, sẽ cực kỳ thuận tiện để "mượn gió, bẻ măng", bởi kinh tế Iran vốn đang điêu đứng bởi các lệnh cấm vận của phương Tây sẽ có nguy cơ đứng trước vực thẳm một khi nguồn thu chính của Tehran bị vơi bớt đáng kể vì giá dầu thấp. Tuy nhiên, bất luận thế nào, vì lý do gì thì dầu thô đang gây ra một cơn bão bất ngờ trên các thị trường toàn cầu. Cấp độ của nó lại đang mạnh lên khi chưa một ai dám chắc đâu sẽ là đáy để dầu thô dừng lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơn bão bất ngờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.